sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 13/03/2023: Khí tự nhiên lao dốc 19%; giá năng lượng, nông sản giảm mạnh

13/03/2023

Thị trường hàng hoá vừa đóng cửa tuần giao dịch biến động rất mạnh. Lực bán hoàn toàn áp đảo trên cả 4 nhóm mặt hàng nguyên liệu đã kéo chỉ số MXV- Index chốt tuần giảm tới 3,79% xuống mức 2.293 điểm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở trung bình vẫn đạt 3.800 tỷ đồng mỗi phiên, tiếp tục tăng gần 9% so với tuần trước đó.

Tất cả các mặt hàng năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 04 trên Sở NYMEX dẫn đầu xu hướng của toàn thị trường với mức lao dốc hơn 19% khi dự báo cho thấy thời tiết sẽ ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn. Đồng thời, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng cho biết dự trữ khí tự nhiên hiện cao hơn 19% so với mức trung bình 5 năm. Nguồn cung ổn định trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng là yếu tố khiến gây sức ép rất mạnh lên giá mặt hàng này.

Trong khi đó, lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm kéo theo sự suy yếu đối với nhu cầu tiêu thụ đã kéo giá dầu giảm mạnh trong tuần. Chốt tuần, dầu WTI giảm 3,77% xuống còn 76.68 USD/thùng và dầu Brent giảm 3,55% xuống 82,78 USD/thùng. Tuy nhiên, theo MXV, xu hướng phục hồi của giá dầu có thể sẽ trở lại và được duy trì trong tuần này, ít nhất là cho đến trước thời điểm ra báo cáo lạm phát tháng 2, một trong những dữ liệu sẽ tác động mạnh tới xu hướng giá.

Mới đây, thông tin từ Tập đoàn dầu khí Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 2 xuống 590 trong tuần này, và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022 đến nay. Điều này có thể gây nên sụt giảm nguồn cung và hỗ trợ cho giá dầu. Thêm vào đó, vào hôm thứ 6 vừa qua, Iran và Ả Rập Xê Út đã đồng ý nối lại quan hệ trong các cuộc đàm phán do Trung Quốc làm trung gian sau nhiều năm. Điều này có thể sẽ làm dấy lên lo ngại về mối quan hệ với Mỹ vốn đã chững lại kể từ sau khi nhóm OPEC quyết định cắt giảm sản lượng, gây rủi ro tới an ninh năng lượng.

Theo MXV, trong tuần này, tâm điểm của thị trường sẽ hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ, cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) cũng như những diễn biến trên thị trường tài chính, đều là những yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khoẻ các nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng trực tiếp tác động mạnh lên thị trường dầu thô. Ngoài ra, báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế Mỹ (IEA) cũng sẽ cung cấp góc nhìn cung cầu và tác động tới diễn biến giá.

Ở một diễn biến khác, thị trường nông sản cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi ghi nhận các mức biến động rất mạnh. Trên Sở Chicago, dầu đậu tương giảm đến gần 7,5%. Giá lúa mì đóng cửa giảm mạnh 4,16%, đánh dấu tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, giá ngô cũng đã có tuần giảm thứ 3 với mức giảm hơn 3,5%, xuống còn 243 USD/tấn.

Tuy nhiên, mặt hàng này đã lấy lại sắc xanh trong ngày cuối tuần trước những lo ngại về mùa vụ tại Argentina. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Argentina xuống còn chỉ 40 triệu tấn, giảm 7 triệu tấn so với báo cáo hồi tháng trước. Con số này không chỉ thấp hơn rất nhiều mà còn nằm ngoài khoảng dự đoán của thị trường. Không những thế, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) còn mạnh tay cắt giảm dự báo sản lượng của Argentina xuống chỉ còn 27 triệu tấn. Những lo ngại về mùa vụ Nam Mỹ đã giúp giá ngô thu hẹp đà giảm trong phiên cuối tuần.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, tại cảng Cái Lân, khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về Việt Nam được chào bán ở mức 15.050 – 15.200 đồng/kg đối với kỳ hạn giao trong quý II; giá ngô dao động quanh mức 8.000 – 8.400 đồng/kg, giảm nhẹ so với đầu tuần trước. Tuần này có thể sẽ là thời điểm hợp lý cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu khi dự báo khô hạn ở Nam Mỹ sẽ được cải thiện, từ đó giúp giá nông sản tiếp tục hạ nhiệt.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)