sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 15/01/2024: Giá khí tự nhiên tăng vọt, nông sản liên tục sụt giảm

15/01/2024

Tuần vừa qua, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có sự phân hóa theo các nhóm hàng đặc thù. Nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp tăng giá, trong khi nhóm nông sản và kim loại sụt giảm khá mạnh. Chỉ số MXV-Index đóng cửa tuần giảm 0,52% xuống 2.107 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư trên thị trường liên tục gia tăng trong tuần qua, trung bình đạt gần 5.200 tỷ đồng/ngày, cao hơn gần 20% so với tuần trước đó.  

Biến động mạnh nhất trong tuần qua là giá khí tự nhiên khi chốt tuần tăng vọt 14,5% lên 3,31 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, cao nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây. MXV cho biết, giá mặt hàng này đang được hỗ trợ bởi mùa tiêu thụ trọng điểm tại Mỹ và châu Âu đã bắt đầu.  

Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất thị trường là giá Bạch kim, giảm 5,2% xuống 921,1 USD/ounce. Giá bạch kim hiện đã giảm 8 trên 10 phiên giao dịch gần nhất. Giá càng chịu áp lực lớn hơn sau số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng vượt dự kiến trong tháng 12.  

Đáng chú ý, trên thị trường nông sản, ngoại trừ dầu đậu tương, toàn bộ 6 mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu còn lại được niêm yết trên Sở Chicago đồng loạt sụt giảm trong tuần vừa qua. Giá lúa mì dẫn dắt xu hướng, với mức giảm 3,25%, xuống còn 218,99 USD/tấn. Theo sát, giá ngô đóng cửa tuần đánh mất gần 3% giá trị, đánh dấu chuỗi giảm tuần thứ 5 liên tiếp. Tương tự, giá đậu tương cũng đã có tuần suy yếu thứ 4, chốt tuần ở mức 449,84 USD/tấn. 

MXV cho biết, tín hiệu nguồn cung tích cực tại các quốc gia sản xuất hàng đầu là yếu tố chính kéo giá nông sản sụt giảm trong tuần vừa qua. 

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo Cung cầu cuối tuần qua, đã bất ngờ điều chỉnh tăng tồn kho lúa mì thế cuối niên vụ 23/24 lên gần 2 triệu tấn so với báo cáo hồi tháng 12, cho thấy nguồn cung lúa mì toàn cầu đã được nới lỏng hơn. Tương tự, USDA cũng cho biết tồn kho ngô toàn cầu sẽ tăng lên 325,22 triệu tấn, từ mức 315,22 triệu tấn. 

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 12/1, tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao trong khoảng 6.550 - 6700 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá chào bán dao động ở mức 6.650 - 6.700 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân. 

MXV cho biết, tuần này, thị trường hàng hoá sẽ đón nhận nhiều thông tin quan trọng, có thể góp phần xác định xu hướng ngắn gọn của nhiều mặt hàng chủ chốt. Vào ngày hôm nay 16/1, nhiều mặt hàng đang giao dịch tại các Sở giao dịch hàng hóa ở Mỹ sẽ nghỉ giao dịch hoặc đóng cửa sớm. Nên khối lượng giao dịch sẽ tăng trở lại kể từ ngày mai.  

Tuần này sẽ có 2 báo cáo rất quan trọng đối với thị trường dầu, là báo cáo hàng tháng của OPEC vào lúc 19h tối thứ Tư và báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA vào lúc 16h chiều thứ Năm.  

Trong bối cảnh giá dầu vẫn chưa thể hồi phục một cách rõ ràng sau xu hướng giảm từ đầu tháng 10 năm ngoái, các báo cáo này có thể tạo ra bước ngoặt và giúp giá dầu phá vỡ khỏi các khoảng giao dịch giằng co đi ngang hiện tại. 

Trong khi đó, thị trường cà phê, đặc biệt là Arabica nhiều khả năng sẽ chịu tác động chủ yếu bởi báo báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ cà phê được công bố vào 19h Thứ Năm của Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB). Đây là báo cáo đầu tiên trong năm 2024, phản ánh dự đoán từ CONAB về sản lượng cà phê năm nay của Brazil. Trong bối cảnh thị trường đang có sự lo ngại nhất định về triển vọng nguồn cung vụ mới sau những đợt nắng nóng đỉnh điểm vào cuối năm 2023, số liệu từ báo cáo có thể sẽ xác lập xu hướng ngắn hạn giá Arabica giai đoạn đầu năm nay. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)