sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 15/03/2024: Giá dầu thô đạt đỉnh 4 tháng

15/03/2024

 Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua (14/3) với diễn biến phân hoá rõ rệt. Sắc đỏ hoàn toàn áp đảo trên bảng giá nông sản và kim loại. Ngược lại, hầu hết các mặt hàng năng lượng và công nghiệp đồng loạt tăng giá. Lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng 0,37% lên 2.196 điểm, nối dài chuỗi tăng sang ngày thứ 4 liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái. 

Giá trị giao dịch toàn Sở cũng ghi nhận tín hiệu gia tăng tích cực, cao hơn gần 50% so với ngày trước đó, đạt 6.168 tỷ đồng. Với toàn bộ 5 trên 5 mặt hàng đồng loạt tăng mạnh, nhóm năng lượng đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường trong ngày hôm qua. 

Đáng chú ý, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4 trên Sở NYMEX đóng cửa tăng vọt hơn 5% lên 1,74 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, đứt chuỗi giảm sâu 6 ngày liên tiếp chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật, kết hợp với số liệu tồn kho khí tự nhiên của Mỹ đã giảm 9 tỷ feet khối trong tuần vừa qua.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá dầu WTI đóng cửa tăng 1,93% lên 81,26 USD/thùng. Dầu Brent cũng tăng 1,65% lên 85,42 USD/thùng. Như vậy, chỉ sau 2 ngày tăng liên tiếp, dầu thô đã chạm mức giá cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. MXV cho biết, lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu trong ngày hôm qua.

Cụ thể, trong báo cáo thị trường năng lượng tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung toàn cầu năm 2024 xuống chỉ còn 800 nghìn thùng/ngày, từ mức 1,7 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, tổ chức này cũng đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2024 lên 1,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 110 nghìn thùng/ngày so với dự báo trong tháng 2. 

IEA cho biết thêm, nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt sản lượng, thị trường có thể sẽ thâm hụt khoảng 300 nghìn thùng/ngày trong giai đoạn cuối năm, thay vì thặng dư 800 nghìn thùng/ngày như trong báo cáo trước. Đây là thông tin tác động mạnh nhất, thúc đẩy lực mua đối với dầu thô trong phiên hôm qua.

Bên cạnh đó, tín hiệu xuất khẩu sụt giảm từ Nga, quốc gia sản xuất lớn thứ 3 thế giới, cũng làm sâu sắc thêm lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Dữ liệu mới nhất cho thấy, xuất khẩu sản phẩm dầu bằng đường biển của Nga trong tháng 2 đã giảm 1,5% so với tháng trước xuống còn 9,9 triệu tấn do bảo trì ngoài kế hoạch tại các nhà máy lọc dầu. 

Trong bối cảnh này, ngày hôm qua, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã công bố đề xuất mua khoảng 1,5 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ chiến lược SPR cho đợt giao hàng tháng 8 năm nay. Ngoài ra, DOE cho biết thêm một đề xuất khác với khối lượng mua tương tự cho đợt giao hàng vào tháng 9/2024 sẽ được đưa ra vào ngày 21/3 tới đây.

Như vậy, hai đề xuất với tổng cộng khối lượng mua là 3 triệu thùng. DOE cho biết thêm chính quyền Mỹ mong muốn mua lại dầu ở mức 79 USD/thùng hoặc thấp hơn, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 95 USD/thùng mà dầu được bán ra vào năm 2022. 

Là quốc gia sản xuất đồng thời tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, việc Mỹ tăng cường bổ sung dầu cho SPR càng thúc đẩy lực mua dầu trên thị trường.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)