sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 15/04/2022: Giá khí tự nhiên tăng vọt lên mức cao nhất hơn 1 thập kỷ

15/04/2022

Đóng cửa ngày 14/04, lực mua tiếp tục áp đảo đã hỗ trợ chỉ số hàng hoá MXV - Index tăng 1,2% lên mức 3.066 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số này sau một thời gian dài biến động không rõ xu hướng với các phiên tăng giảm đan xen. GTGD có sự giảm nhẹ, đạt mức hơn 3.600 tỷ đồng cho thấy giới đầu tư trong nước có xu hướng cơ cấu lại danh mục đầu tư để chờ đợi xu hướng tiếp theo trên thị trường hàng hóa thế giới.

Nhóm Năng lượng tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt toàn thị trường với các mức tăng mạnh ở tất cả các mặt hàng trong ngày hôm qua. Trong đó, dầu ít lưu huỳnh tăng đến hơn 6%, đóng cửa ở trên 1.119 USD/tấn, đạt mức cao nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây. Theo chuyên gia từ Sở Giao dịch liên lục địa ICE, giá dầu ít lưu huỳnh thường có diễn biến rất tương đồng với giá xăng Singapore, là giá tham chiếu cho thị trường xăng dầu châu Á. Sau mức tăng rất mạnh ngày hôm qua của giá dầu ít lưu huỳnh, giá xăng Singapore được dự báo sẽ tăng mạnh và có thể ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước ở kỳ điều hành giá sắp tới.

Cùng với đó, giá khí tự nhiên cũng tăng vọt 4,33% lên mức 111,7 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh, đánh dấu mức cao nhất sau 14 năm kể từ tháng 10/2008. So với đầu năm nay, giá mặt hàng này đã tăng gấp đôi, còn so với cùng kỳ năm ngoái khí tự nhiên thậm chí còn tăng tới hơn 170%. Giá khí tự nhiện nhận được hỗ trợ rất mạnh từ thông tin tổng thống Nga Putin đưa ra cảnh báo nguồn cung đến châu u có thể gặp rủi ro nếu các nước thành viên không chấp nhận thanh toán bằng đồng Rúp. Trong ngày hôm qua, ông Putin cho biết Nga sẽ nỗ lực chuyển hướng các chuyến hàng năng lượng bao gồm khí tự nhiên sang châu Á, đồng thời tuyên bố châu Âu sẽ không thể rời khỏi nguồn cung mặt hàng này từ Nga trong ngắn hạn. Điều này lập tức đã giúp giá tăng vọt trong phiên hôm qua.

Trong khi đó, tồn kho khí tự nhiên của Mỹ đang cho thấy dấu hiệu cạn kiệt do xuất khẩu mạnh sang cả châu Âu và châu Á. Trong 3 tháng kể từ tháng 11/2021, xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng LNG của Mỹ đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước đó mặc dù sản lượng nội địa giảm 5%. Xuất khẩu LNG chiếm điến 12% tổng sản lượng trong tháng 1/2022 và dự kiến còn tăng cao hơn trong tháng 2 và tháng 3 do xung đột Nga- Ukraina. Như vậy, giá khí LNG của Mỹ đang dần có mối liên kết chặt chẽ hơn với giá châu u và châu Á. Điều này cũng sẽ phần nào tác động đến giá gas trong nước vốn đang tăng liên tục trong 3 tháng trở lại đây.

Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, các mặt hàng Năng lượng sẽ có thể duy trì xu hướng tăng ít nhất là trong ngắn hạn khi nguồn cung thế giới chưa có các tín hiệu ổn định rõ ràng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)