sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 15/07/2022: Suy thoái kinh tế phủ bóng đen lên thị trường hàng hóa

15/07/2022

Lại thêm một ngày thị trường hàng hoá chìm trong sắc đỏ. Đóng cửa hôm qua, chỉ có 3 trên tổng số 31 mặt hàng giữ được đà tăng, tuy nhiên mức tăng cũng rất khiêm tốn. Trong khi đó, thị trường chứng kiến nhiều mặt hàng quan trọng tiếp tục lao dốc. Chỉ số hàng hoá MXV-Index trượt dài 2,15%, chốt ở 2.463 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay. Mặc dù vậy, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn duy trì gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền đầu tư tập trung chủ yếu ở hai nhóm Nông sản và Năng lượng.

Lo ngại về việc tăng lãi suất và triển vọng nhu cầu tiêu thụ thực tế suy yếu đã tiếp tục phủ bóng đen lên toàn thị trường hàng hoá mà trong đó, nhóm kim loại đang chịu tác động mạnh nhất. Một loạt các mặt hàng trong nhóm dẫn dắt đà sụt giảm của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Mạnh nhất là niken với mức suy yếu hơn 8%, xuống còn 19.402 USD/tấn. Giá quặng sắt cũng đánh mất gần 8% trong ngày hôm qua, xuống 100 USD/tấn. Theo sau là các mặt hàng chì LME và bạc với mức giảm đều trên 5%. Đáng chú ý, bạc đã có phiên lao dốc mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm nay, xuống mức 18.23 USD/ounce.

Vào hôm qua, bộ dữ liệu về chỉ số giá sản xuất PPI tháng 6 của Mỹ đã củng cố cho kịch bản lạm phát đạt đỉnh tại nước này. Cụ thể, PPI tháng 6 tăng 1,1% so với tháng trước đó. Lạm phát tăng vọt khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh lãi suất, thậm chí có thể thêm 1 điểm phần trăm ngay trong cuộc họp cuối tháng này.

Cùng với đó, Chỉ số Dollar-Index tiếp tục vượt đỉnh 2 thập kỷ, gây áp lực chi phí nắm giữ kim loại quý như bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với lãi suất và đồng USD. Vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý hoàn toàn bị lu mờ trước sức mạnh của đồng bạc xanh, càng củng cố cho những lo ngại về suy thoái và tạo sức ép mạnh lên giá bạc và bạch kim trong ngày hôm qua.

Còn đối với nhóm kim loại cơ bản, thu hút nhiều sự quan tâm nhất là mức lao dốc mạnh mẽ của quặng sắt. Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu 7,5 triệu tấn thép trong tháng 6 năm 2022, giảm 2,6% so với tháng trước và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu suy giảm trong hoạt động xuất khẩu thép tại quốc gia này phản ánh nhu cầu quặng sắt cũng đang suy yếu, trong bối cảnh các nhà sản xuất thép cắt giảm sản lượng do biên lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu ớt.

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường kim loại Trung Quốc (SMM), 39 nhà máy thép chính sản xuất thép cuộn cán nóng có kế hoạch chỉ xuất khẩu 185,8 nghìn tấn trong tháng 7, giảm gần 70% so với lượng xuất khẩu thực tế vào tháng 5. Triển vọng tiêu cực của ngành thép Trung Quốc tiếp tục gây ra sức ép đối với giá quặng sắt ngày hôm qua.

Cùng với đó, giá đồng COMEX cũng sụt giảm 3,34% xuống mức 7.080 USD/tấn. Đồng vốn được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế lại đang bị đe dọa bởi lạm phát, đặc biệt là khi CPI tháng 6 tại Mỹ tăng vọt 9,1%, mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ .

Trên thị trường nội địa, giá thép đang dao động từ 16.060 – 17.200 VND/kg đối với thép cuộn D6 CB240 và 16.510 – 17.510 VND/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300 sau đợt điều chỉnh lần thứ 8 trong năm nay. Giá quặng sắt thế giới lao dốc trong thời gian gần đây tiếp tục gây áp lực đến giá sắt thép trong nước. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành xây dựng nước ta, tuy nhiên lại là bài toán khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)