Tin tức
Bản tin TCKD ngày 16/09/2022: Dầu thô xuống mức thấp nhất trong tuần
Đóng cửa ngày hôm qua (15/09), thị trường hàng hoá ghi nhận lần đảo chiều xu hướng giá thứ 3 trong tuần này. Kết thúc phiên, chỉ số hàng hoá MXV-Index quay đầu giảm mạnh 2,8% xuống 2.526 điểm. Lực bán áp đảo trên cả 4 nhóm mặt hàng, đặc biệt là ở nhóm năng lượng với mức giảm rất sâu của các mặt hàng xăng dầu. Giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục tăng gần 10%, đạt 5.900 tỷ đồng.
Khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10 trên Sở NYMEX lao dốc gần 9%, cắt đứt chuỗi tăng mạnh 5 phiên liên tiếp trước đó, xuống còn 8,32 USD trên 1 triệu đơn vị nhiệt Anh. Đêm qua theo giờ Việt Nam, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ phát hành báo cáo, theo đó, tồn kho khí gas tự nhiên ngầm của Mỹ tăng mạnh 77 tỷ feet khối trong tuần vừa qua, lên mức 2.771 tỷ feet khối. Thông tin này đã gây sức ép khiến giá khí tự nhiên quay đầu giảm rất mạnh.
Cùng với đó, giá dầu WTI giảm 3,82% xuống 85,1 USD/thùng dầu Brent cũng giảm 3,46% xuống 90,84 USD/thùng. Dầu ít lưu huỳnh ghi nhận mức sụt giảm đến gần 7%. Hàng loạt các thông tin tiêu cực trong phiên đã kéo giá dầu thô xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần.
Rủi ro từ cuộc đình công của công nhân đường sắt tại Mỹ chấm dứt sau 20 giờ đồng hồ thương thảo giúp cho nước Mỹ tránh được sự gián đoạn tuyến đường vận chuyển nhiên liệu và thực phẩm. Trong khi đó, mới đây, Mỹ cho biết kế hoạch mua lại dầu để bổ sung vào kho dự trữ sẽ chỉ tiến hành sớm nhất là vào năm 2023.
Trung Quốc thì cũng đang cân nhắc tăng cường xuất khẩu nhiên liệu, đặt ra câu hỏi nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế của quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới sẽ suy yếu mức độ nào. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ chứng kiến mức giảm lần đầu tiên trong vòng hơn 3 thập kỷ. Nhập khẩu dầu trong tháng 9 của nước này dự báo chỉ đạt 9,15 triệu thùng/ngày, giảm so với con số 9,5 triệu thùng/ngày ghi nhận trong tháng 08. Rủi ro nguồn cung được xoa dịu, trong khi nhu cầu lại giảm, khiến cho giá dầu chịu sức ép lớn.
Trong khi đó, các chỉ số tiêu cực của kinh tế Mỹ cũng gây áp lực cho thị trường chung và giá dầu nói riêng. Doanh số bán lẻ lõi, đo lường doanh thu các hoàng hóa của Mỹ (ngoại trừ ô tô), bất ngờ giảm 0,3% trong tháng 8, trong khi thị trường kỳ vọng mức tăng 0,1%. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 cũng sụt giảm 0,2% so với tháng 7. Như vậy, có thể thấy cả tiêu dùng lẫn sản xuất của Mỹ đều đã suy yếu, và điều này có thể gây áp lực đến với kinh tế Mỹ trong các tháng cuối năm. Theo MXV, đặc biệt khi Fed được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, thì áp lực lên giá dầu khả năng cao sẽ còn tiếp tục.
Sáng ngày hôm nay, thị trường sẽ chờ đợi các số liệu mới về nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm đầu tư vào tài sản cố định và sản xuất công nghiệp. Với số đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã liên tục giảm trong các tháng gần đây, kết hợp với sức ép nợ trong thị trường nội địa gia tăng, khả năng cao các số liệu sẽ không quá tích cực, và tiếp tục gây sức ép cho giá dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)