Tin tức
Bản tin TCKD ngày 17/04/2023: Dầu thô tăng tuần thứ 4 liên tiếp
Thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận 4 trên 5 ngày giao dịch tăng giá trong tuần qua, giúp chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng thêm 1,5% lên mức 2.354 điểm, cao nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây. Trong số 31 mặt hàng đang giao dịch tại MXV, có đến 26 mặt hàng tăng giá, với các mức tăng khá mạnh. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đang ổn định, đạt trung bình 4.100 tỷ đồng mỗi phiên.
Cà phê tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần vừa qua. Đóng cửa, cà phê Arabica tăng vọt hơn 5,3% lên 4.263 USD/tấn; dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường. Cà phê Robusta cũng tăng gần 5% lên 2.411 USD/tấn. Cà phê bật tăng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, sau số liệu xuất khẩu cà phê Arabica của Brazil trong tháng 3 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thế giới tăng mạnh đã giúp giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam tăng vượt 50.000 đồng/kg và dự kiến sẽ lên trên 51.000 đồng/kg trong đầu tuần này.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, giá dầu nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp khi loạt báo cáo từ các Tổ chức năng lượng quốc tế cho thấy cán cân cung cầu tương đối mong manh, đặc biệt là vào giai đoạn nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt kéo theo kỳ vọng lãi suất có thể sắp đạt đỉnh, làm giảm bớt một vài lo ngại vĩ mô cho nền kinh tế cũng đã hỗ trợ cho giá dầu. Cụ thể, giá dầu WTI đóng cửa tuần tại mức giá 82,52 USD/thùng, tăng 2,26% so với tuần trước, dầu Brent tăng 1,4% lên mức 86,31 USD/thùng.
Giá dầu nhận hỗ trợ khi báo cáo của IEA cho biết kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu thêm 400 nghìn thùng/ngày vào cuối năm nay, qua đó điều chỉnh mức thâm hụt tăng lên 800 nghìn thùng/ngày so với năm ngoái.
Trong khi đó, Mỹ vẫn vấp phải nhiều khó khăn trong việc gia tăng sản lượng. Số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai, đã giảm tuần thứ 3 liên tiếp, theo dữ liệu của hãng dầu khí Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu khí đã giảm 3 xuống 748 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua.
Còn xét về nhu cầu tiêu thụ, số liệu nhập khẩu tích cực của Trung Quốc càng góp phần củng cố đà tăng giá dầu thô. Theo MXV, trong tháng 3, khối lượng nhập khẩu dầu của quốc gia tiêu thụ hàng đầu đã tăng mạnh 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất trong 1 tháng kể từ tháng 6/2020.
Tuần này, dữ liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể tới diễn biến giá dầu, do quốc gia này đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình xu hướng giá giai đoạn tới. Đây sẽ là thông tin đáng lưu ý mà nhà đầu tư cần theo dõi trong tuần này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)