sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 18/05/2022: Giá dầu WTI lần đầu cao hơn Brent sau 12 năm

18/05/2022

Thị trường hàng hoá vừa trải qua ngày giao dịch với diễn biến trái chiều trên cả 4 nhóm mặt hàng và sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Chỉ số MXV - Index tăng nhẹ 0,38% lên mức 3.041 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt hơn 7.000 tỷ đồng với lượng lớn dòng tiền chảy vào thị trường Nông sản. Theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, giá trị giao dịch riêng nhóm này đã tăng gần 38%, lên hơn 2.400 tỷ đồng, chiếm 34,5% lượng tiền của cả thị trường trong ngày hôm qua.

Lúa mì vẫn duy trì được đà tăng mạnh sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này vào cuối tuần vừa qua. Mặc dù mới đây, chính phủ nước này cho biết sẽ cho phép cho phép vận chuyển các chuyến lúa mì đang chờ thông quan ra nước ngoài, đồng thời nới lỏng xuất khẩu. Tuy nhiên, đóng cửa hôm qua, lúa mì Chicago vẫn tăng 2,4% lên 469 USD/tấn, và lúa mì Kansas cũng tăng 1,16% lên 502,57 USD/tấn. Như vậy, lúa mì đã có đến phiên tăng thứ 5 trong 6 phiên giao dịch gần nhất và tiếp tục là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất nhóm nông sản.

Trong khi đó, chốt ngày hôm qua, giá ngô giảm gần 1,1% xuống hơn 315 USD/tấn sau ngày tăng mạnh ngay trước đó. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, tiến độ gieo trồng ngô Mỹ đã tăng mạnh lên mức 49% diện tích dự kiến trong tuần vừa qua, cao hơn rất nhiều so với mức 22% của tuần trước đó nhờ thời tiết thuận lợi tại khu vực Midwest.

Cùng với đó, bất chấp ảnh hưởng từ xung đột, Ukraine cho biết nước này đã xuất khẩu được 232,6 nghìn tấn ngô chỉ trong 9 ngày đầu tháng 5. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, 61% tổng khối lượng nông sản xuất khẩu đã được vận chuyển bằng đưởng biển trong giai đoạn 01/03 - 09/05.

Một yếu tố gián tiếp nhưng tác động tương đối mạnh đến đà giảm của giá ngô phải kể đến các nhà máy Brazil đang huỷ bỏ hợp đồng sản xuất đường để chuyển sang sản xuất ethanol do giá năng lượng tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng ngô trong ngành công nghiệp ethanol đồng thời gây áp lực lên giá mặt hàng này.

Cùng chung diễn biến với giá ngô, trên thị trường Năng lượng, giá dầu WTI giảm gần 1,6% xuống 112,4 USD/thùng và giá dầu Brent giảm hơn 2%, cũng xuống sát mốc 112 USD/thùng. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu WTI kỳ hạn gần nhất đã lần đầu tiên cao hơn giá dầu Brent, kể từ tháng 05/2010. Nguyên nhân chính đến từ việc giá xăng ROB của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất lịch sử trong vài ngày qua đã hỗ trợ giá dầu Mỹ tăng mạnh hơn các loại dầu khác.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá dầu Brent thường cao hơn 2-3 USD/thùng so với dầu WTI. Hiện tượng bất thường này đang khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi, “liệu lịch sử có lặp lại?” khi mà giá dầu thế giới đã tăng vọt sau năm 2010, và khi giá dầu WTI cao hơn Brent.

Mở cửa sáng nay, giá dầu đang có dấu hiệu tăng trở lại sau các số liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API). Theo đó, API dự báo tồn kho dầu thô tại Mỹ sẽ giảm 2.4 triệu thùng và tồn kho xăng giảm 5.1 triệu thùng trong tuần trước. Các số liệu này có thể sẽ tạo động lực tăng trên thị trường dầu, ít nhất cho tới trước 21:30 tối nay, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra các số liệu có tính chính thức cao hơn về tồn kho xăng dầu tại Mỹ trong tuần trước. Trong bối cảnh các thông tin đang rất nhạy cảm và chưa rõ ràng, số liệu tồn kho này có thể sẽ mang đến luồng gió mới và khiến thị trường biến động mạnh hơn.

Trên thị trường nội địa, từ đầu tháng 05, giá gas trong nước được điều chỉnh giảm khoảng 31.000 đồng/bình 12kg và 129.000 đồng/ bình 50kg. Đây là tháng thứ 2 trong năm nay, giá gas nội địa quay đầu giảm mạnh. Tính từ đầu năm, giá gas đã có 2 tháng giảm với tổng mức 37.000 đồng/bình 12kg và 3 tháng tăng liên tiếp với tổng mức 72.000 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)