sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 18/07/2023: Giá dầu gặp áp lực trở lại

18/07/2023

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần với lực bán hoàn toàn áp đảo. 23 trên 31 mặt hàng giảm giá kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 1,1% xuống 2.221 điểm. Tuy nhiên, đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường bật tăng mạnh trở lại, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt hơn 60% so với ngày trước đó, đạt gần 5.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong 2 tuần trở lại đây.

Chốt ngày, tất các 5 mặt hàng trên nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đó. Trong đó, giá của cả hai mặt hàng dầu thô đều giảm hơn 1,5%, và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,68% xuống 74,15 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,72% xuống 78,5 USD/thùng.

MXV cho biết, dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, là nguyên nhân chính khiến nhu cầu dầu thô chịu sức ép, từ đó kéo giá dầu sụt giảm trong ngày hôm qua.

Cụ thể, theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 4,5% trong quý I/2023, thấp hơn mức dự báo 7,3% của các chuyên gia kinh tế.

Thêm vào đó, một vài lo ngại về nguồn cung gián đoạn vào cuối tuần trước đã được giải quyết, càng làm gia tăng áp lực bán trên thị trường dầu thô. Hoạt động sản xuất tại các mỏ dầu trọng điểm của Libya đã được khôi phục trở lại sau các cuộc biểu tình. Trong đó có mỏ Sharara là một trong những khu vực sản xuất lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300 nghìn thùng/ngày.

Cùng với đó, việc Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng đẩy giá dầu tăng cao đang khiến nhà nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Brazil. Theo hãng tin Reuters, một số thương nhân cho biết quốc gia này đã đặt gần 1 triệu thùng dầu thô/ngày của Brazil cho giao hàng tháng 08 và tháng 09. Điều ngày cũng đã thúc đẩy sản lượng dầu thô của Brazil gia tăng và gây áp lực cạnh tranh tới giá dầu Mỹ.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)