sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 20/02/2023: Giá năng lượng lao dốc, cà phê arabica tăng vọt 6%

20/02/2023

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (13/02 - 19/02), ngoại trừ nhóm Nguyên liệu công nghiệp, lực bán hoàn toàn áp đảo trên cả 3 nhóm mặt hàng còn lại là Nông sản, Năng lượng và Kim loại. Đà giảm mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng đã kéo chỉ số Hàng hoá MXV - Index quay đầu giảm hơn 1,7% xuống mức 2.352 điểm.

Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 3.400 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 13% so với tuần trước đó, cho thấy dòng tiền đã dần ổn định trở lại thị trường sau giai đoạn liên tục biến động mạnh vừa qua.

Sắc đỏ hoàn toàn bao phủ trên bảng giá năng lượng với toàn bộ 5 mặt hàng đóng cửa giảm giá. Hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 04 trên Sở NYMEX dẫn dắt xu hướng khi lao dốc gần 10%, chốt tuần ở mức 2,35 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, giảm tới hơn 40% so với đầu năm nay. Bên cạnh đó, giá dầu WTI cùng kỳ hạn cũng đã giảm hơn 4,2% về 76,5 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 05 trên Sở ICE giảm đóng cửa tuần giảm gần 4%.

Dầu thô chịu sức ép bán do lo ngại các đợt tăng lãi suất trong tương lai của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, trong khi thị trường cho thấy các dấu hiệu nguồn cung trên toàn cầu hiện rất dồi dào. Cụ thể, tại Nga, các công ty sản xuất kỳ vọng sẽ duy trì khối lượng xuất khẩu dầu thô hiện tại, bất chấp kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của chính phủ vào tháng 3.

Cùng với đó, Ả Rập Xê Út, một trong những thành viên quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ cho biết thỏa thuận hiện tại của nhóm này sẽ được giữ nguyên cho tới cuối năm nay, đồng thời bày tỏ thận trọng với nhu cầu tại Trung Quốc.

Còn tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, chỉ giảm 1 giàn khoan xuống còn 760 giàn khoan trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm này trong năm ngoái, tổng số giàn khoan vẫn tăng 115, tức là đã tăng đến 18%, bất chấp việc kho dự trữ dầu đang ở mức cao nhất trong 19 tháng.

Ở chiều ngược lại, điểm sáng trong tuần vừa qua phải kể đến là mức tăng vọt gần 6,4% lên trên 4.095 USD/tấn của cà phê Arabica. Như vậy, mặt hàng này đã nối dài đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp. Nhờ sự hỗ trợ từ Arabica, cà phê Robusta ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp với mức tăng gần 3%, đưa giá chốt tuần lên mức 2.098 USD/tấn, cao nhất trong 4 tháng.

Theo MXV, doanh số bán hàng cà phê niên vụ 23/24 của Brazil hiện mới chỉ đạt 17% tổng sản lượng ước tính, thấp hơn nhiều so với mức 27% cùng kỳ niên vụ 22/23 khi nông dân nước này từ chối các đề nghị bán hàng do mức giá thấp hơn so với kỳ vọng. Điều này cũng kéo theo lượng cà phê tại các kho lưu trữ của Mỹ kết thúc tháng 01 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong 06 tháng, từ đó góp phần hỗ trợ giá tăng.

Thêm vào đó, những động thái mới trong tiến trình tăng lãi suất của Fed sau hàng loạt các chỉ số vĩ mô tháng 01 của Mỹ, khiến tỷ giá USD/Brazil Real suy yếu, sau 2 tuần tăng liên tiếp đã phần nào hạn chế nhu cầu bán hàng từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ giá tăng mạnh hơn.

Theo sát diễn biến giá thế giới, trong tuần vừa qua, giá cà phê nội địa cũng liên tục tăng mạnh. Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đạt mức 44.900 – 45.700 đồng/kg, tăng đến 1.600 đồng/kg so với tuần trước đó.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)