Tin tức
Bản tin TCKD ngày 20/03/2023: Dầu thô lao dốc 12%, mức giảm trong tuần lớn nhất 1 năm
Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới biến động rất mạnh trước các thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu u. Đóng cửa tuần vừa qua, chỉ số MXV- Index giảm mạnh gần 3,2% xuống 2.220 điểm, mức thấp nhất ghi nhận được kể từ đầu tháng 12 năm 2021. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng vọt hơn 31%.
Đáng chú ý, kim loại là nhóm duy nhất duy trì được sắc xanh khi các mặt hàng kim loại này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ do phát huy vai trò trú ẩn an toàn trong điều kiện thị trường biến động. Cụ thể, giá bạc chốt tuần tăng mạnh 9,54% lên 22,46 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây. Trong khi đó, giá bạch kim tăng khiêm tốn 1,7%.
Ở chiều ngược lại, giá dầu trải qua tuần lao dốc khi lo ngại suy thoái kinh tế ngày càng trở nên sâu sắc. Kết thúc tuần, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 5 trên Sở NYMEX đánh mất 12,8% xuống dưới 67 USD/thùng, thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2021, và đây cũng là mức giảm trong tuần mạnh nhất trong vòng gần 1 năm qua. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên Sở ICE cũng giảm 11,8% xuống còn sát mức 73 USD/thùng.
Trước sự suy yếu rất mạnh của giá dầu trong tuần vừa qua, mới đây, Các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ đã đưa ra những đánh giá nhằm hỗ trợ tâm lý thị trường. Theo OPEC+, sự lao dốc của giá dầu trong tuần này là do các động lực tài chính hơn là do bất kỳ sự mất cân bằng cung cầu nào. Ngoài ra, Thủ tướng Iraq và Tổng thư ký OPEC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp giữa các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ để đảm bảo giá không biến động và tác động đến cả nước xuất khẩu và nước tiêu dùng.
Hiện tại, giới phân tích vẫn kỳ vọng nguồn cung toàn cầu hạn chế sẽ hỗ trợ giá dầu trong tương lai gần. Dữ liệu của Hãng khai thác dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu trong tuần qua tại Mỹ giảm 1 xuống còn 589 giàn, vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Thông tin này có thể sẽ xoa dịu phần nào tâm lý của các nhà đầu tư trong phiên đầu tuần và giúp giá dầu có thể sẽ phục hồi nhẹ trở lại.
Trong khi đó, dòng chảy dầu thương mại của Nga đang có dấu hiệu gặp một vài sự cố gián đoạn. Theo dữ liệu từ Vortera, ít nhất bốn tàu chở dầu thô ESPO của quốc gia này đã phải chờ đợi nhiều tuần tại một số bến cảng của Trung Quốc. Trong khi có khoảng 4 triệu thùng diesel của Nga vẫn đang trên biển trong đầu tháng 3, con số lớn nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Như vậy, mặc dù dầu thô của Nga vẫn đang tìm được các thị trường tiềm năng như Ấn Độ và Trung Quốc, tuy nhiên dòng chảy dầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và có thể gây sức ép lên nguồn cung.
Theo MXV, tuần này, thị trường sẽ tiếp tục hướng sự chú ý vào tâm điểm quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng ngày 23/03 theo giờ Việt Nam, với các ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản hoặc sẽ giữ nguyên lãi suất. Trong trường hợp không có thêm yếu tố bất ngờ xảy ra, và thị trường tài chính ổn định trở lại, lực mua có thể sớm quay trở lại thị trường dầu.
Ngoài ra, do giá dầu hiện đang ở mức thấp nhất trong khoảng 15 tháng, với dầu WTI dưới ngưỡng 70 USD/thùng, nhà đầu tư cũng cần theo dõi các thông tin từ phía các tổ chức và quốc gia liệu có các động thái hỗ trợ giá dầu hay không. Điển hình là việc Mỹ có thể mua bổ sung dầu vào kho dự trữ chiến lược (SPR), hoặc tin tức từ sự can thiệp của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)