Tin tức
Bản tin TCKD ngày 20/06/2023: Áp lực cung cầu kéo giá dầu suy yếu
Đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường kim loại và năng lượng đã kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index quay đầu suy yếu 0,29% xuống 2.255 điểm, kết thúc chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, các mức biến động hầu như không quá lớn trong bối cảnh các mặt hàng liên thông với Sở Chicago và Sở giao dịch liên lục địa ICE đóng cửa nghỉ lễ.
Sự không chắc chắn về đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong khi nguồn cung tại nhiều quốc gia sản xuất gia tăng trở lại đã tạo ra rào cản đối lớn với đà phục hồi của giá dầu. Đóng cửa hôm qua, cả 2 mặt hàng dầu thô được giao dịch nhiều nhất trên thế giới đồng loạt suy yếu, sau 2 phiên tăng mạnh trước đó. Cụ thể, dầu WTI kỳ hạn tháng 08 trên Sở NYMEX chốt phiên ở mức 71,35 USD/thùng, giảm 0,81%. Hợp đồng dầu Brent cùng kỳ hạn niêm yết trên Sở ICE giảm 0,68% xuống 76,09 USD/thùng.
Theo ước tính từ Reuters, Trung Quốc đã bổ sung vào các kho dự trữ dầu thô khối lượng nhiều nhất trong gần 3 năm vào tháng 5 vừa qua, do nhập khẩu vượt trội so với hoạt động chế biến gần của nhà máy lọc dầu. Đã có tổng cộng 1,77 triệu thùng mỗi ngày được bổ sung vào kho dự trữ trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020, trái ngược với mức giảm hiếm hoi 340 nghìn thùng/ngày trong tháng 4.
Trong khi đó, xét về nguồn cung, xuất khẩu dầu thô của Iran gia tăng bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ, đã gây áp lực đáng kể cho giá dầu. Cụ thể, xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm ngoái lên khoảng 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng tại một số nước trong nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) khiến cho nỗ lực cắt giảm nguồn cung tự nguyện của nhiều quốc gia còn lại ít có tác động hỗ trợ giá dầu.
Điển hình phải kể đến Nga, các cơ sở lọc dầu nước này đã xử lý 5,49 triệu thùng dầu thô/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 14/06, cao hơn gần 194 nghìn thùng/ngày so với tuần trước đó. Nguồn cung dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở Nga gia tăng, cùng với khối lượng xuất khẩu bằng đường biển ổn định, vẫn khiến thị trường hoài nghi về cam kết cắt giảm sản lượng của nước này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)