sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 20/12/2022: Khí tự nhiên lao dốc, nhóm đậu tương biến động mạnh mẽ

20/12/2022

Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần (19/12), sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, đà giảm mạnh của một số mặt hàng quan trọng nhóm Nông sản và năng lượng đã kéo chỉ số MXV- Index nối dài đà giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp với mức giảm 0,88% xuống 2.387 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng nhẹ lên trên 4.000 tỷ đồng.

Khí tự nhiên kỳ hạn tháng 01 năm sau dẫn đầu đà suy yếu của thị trường với mức lao dốc 11,35%, xuống còn 5,85 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, thấp nhất trong vòng gần 2 tuần trở lại đây. Triển vọng nguồn cung sẽ được nới lỏng trong giai đoạn tới đã gây sức ép lên giá mặt hàng này. Cụ thể, Azerbajan cho biết, nước này có kế hoạch tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Liên minh châu Âu vào năm tới để thay thế cho nguồn cung cấp từ Nga.

Ở một diễn biến khác, trên thị trường nông sản, đóng cửa, cả 3 mặt hàng nhóm đậu tương đồng loạt ghi nhận các mức biến động rất mạnh. Đậu tương kỳ hạn tháng 1 giảm 1,3% xuống 536,74 USD/tấn. Hợp đồng Khô đậu tương giảm đến 3% xuống 495 USD/tấn. Đây cũng là mặt hàng liên tục đảo chiều với biên độ rộng trong giai đoạn vài tháng qua. Trước tác động trái chiều, dầu đậu tương tăng mạnh 1,66%, lên mức 1.420 USD/tấn, và cũng là 1 trong 2 mặt hàng nông sản hiếm hoi tăng giá trong ngày hôm qua.

Triển vọng nguồn cung đậu tương toàn cầu đang đón nhận những tín hiệu tích cực, trong khi nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu suy yếu đã gây sức ép mạnh lên giá đậu tương và khô đậu tương. Cụ thể, mùa vụ tại Brazil đang diễn ra hết sức thuận lợi. Bang sản xuất đậu tương lớn nhất nước này là Mato Grosso hiện đã có 97% diện tích đạt chất lượng tốt. Thời tiết mưa nhiều đang tạo điều kiện lý tưởng cho hoạt động gieo trồng tại Brazil.

Còn ở Trung Quốc, Hắc Long Giang – tỉnh sản xuất đậu tương lớn nhất của nước này – đã lập kỷ lục mới về sản lượng đậu tương trong năm nay, với khoảng 9,54 triệu tấn, chiếm 47% tổng sản lượng của toàn quốc. Kết quả này đạt được là nhờ diện tích canh tác được mở rộng, cùng với các tiến bộ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng và cải tiến giống. Là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, nguồn cung nội địa Trung Quốc gia tăng, trong khi áp lực về lạm phát và nền kinh tế đang gây ra sức ép đối với ngành chăn nuôi; đã tạo áp lực mạnh lên nhu cầu tiêu thụ đậu tương và khô đậu tương, từ đó cũng thúc đẩy đà giảm của các mặt hàng này.

Trong khi đó, dầu đậu tương lại là mặt hàng duy nhất trong nhóm tăng giá do nguồn cung thắt chặt. Cụ thể, theo thống kê, mức tồn kho của Malaysia sẽ giảm xuống dưới 2 triệu tấn trong vòng 6 tháng tới. Cùng với đó, Bộ Năng lượng Indonesia mới đây đã quyết định áp dụng chương trình B35 với việc nâng tỷ lệ pha bắt buộc đối với dầu diesel sinh học trong hỗn hợp nhiên liệu lên 35% kể từ ngày 01/02/2023 có thể khiến tồn kho dầu cọ của nước này trở nên khan hiếm trong nửa đầu năm 2023. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu đậu tương và hỗ trợ cho giá.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay tại Cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương dao động trong khoảng 14.600 – 15.000 đồng/kg đối với kỳ hạn giao quý I năm sau.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)