sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 22/04/2022: Dầu thô tăng trở lại sau ngày thị trường chật vật tìm hướng đi

22/04/2022

Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua 21/04, ngoại trừ nhóm Nông sản, lực mua chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm hàng hoá nguyên liệu còn lại là Công nghiệp, Kim loại và Năng lượng. Từ đó đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng nhẹ gần 0,2% lên mức 3.043 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 13%, đạt trên 5.400 tỷ. Trong đó, dòng tiền đổ vào nhóm Năng lượng tiếp tục tăng mạnh và chiếm gần 50% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Dầu ít lưu huỳnh là mặt hàng năng lượng duy nhất giảm giá trong ngày hôm qua với mức giảm 1,44% xuống 1.112 USD/thùng. Trong khi đó cả hai mặt hàng dầu thô đều tăng hơn 1%. Cụ thể, giá dầu WTI trên Sở NYMEX tăng 1,57% lên cao hơn 103 USD/thùng và dầu Brent trên Sở ICE đã tăng 1,43%, ở mức trên 108 USD/thùng.

Lo ngại về nguồn cung bị thiếu hụt từ Nga vẫn là động lực hỗ trợ chính cho đà tăng của giá dầu. Mặc dù Bộ Năng lượng Mỹ cho biết đã hoàn tất mở bán 30 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược, tuy nhiên con số này cho thấy là vẫn chưa đủ để có thể giải quyết sản lượng sụt giảm từ Nga - một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, các gián đoạn nguồn cung bất ngờ lại liên tiếp xảy ra, càng làm giá dầu trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố tác động. Có thể kể đến việc đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan chưa thể hoàn thành sửa chữa, hay việc Libya tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô tại cảng Brega do các cuộc biểu tình.

Ngày hôm qua, Tổng Cục Dầu khí Na Uy NPD công bố dữ liệu sơ bộ, theo đó trong tháng 3 vừa qua, sản lượng dầu thô nước này chỉ đạt 1,74 triệu thùng/ngày, thấp hơn sản lượng trong tháng 2 và cũng thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,85 triệu thùng/ngày.

Ngay trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Iraq cũng đã cho biết, nước này rất khó có khả năng xuất khẩu nhiều dầu thô hơn trong thời gian tới. Trong những tháng vừa qua, Iraq đã phải vật lộn để đạt được mức hạn ngạch cho phép của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Theo ước tính, sản lượng trong tháng 3 của Iraq vẫn thấp hơn 130 nghìn thùng/ngày so với hạn ngạch 4,37 triệu thùng/ngày như kế hoạch.

Trong khi các mặt hàng năng lượng khác đều tăng khá mạnh quanh 1,5% thì giá khí tự nhiên chỉ có mức tăng khiêm tốn gần 0,3%, lên 6,96 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh. Đà tăng của mặt hàng này gặp cản trở ngay sau báo cáo tối qua của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA. Theo đó, tổng tồn kho khí gas tự nhiên tại các kho chứa ngầm của Mỹ đã tăng 53 tỷ feet khối lên 1.450 tỷ feet khối trong tuần trước.

Bên cạnh đó, sản lượng khí tự nhiên tháng 03 của Na Uy cũng tăng lên 10,4 tỷ mét khối từ mức 9,8 tỷ mét khối trong tháng 02, cao hơn 6,3% so với dự báo. Các thông tin trên ngay lập tức gây áp lực lên giá khí tự nhiên và kìm hãm đà tăng của giá.

Còn trên thị trường nội địa, theo ghi nhận trong tháng 04, giá các loại gas vẫn tiếp tục tăng 14.000 đồng/bình loại 12 kg và tăng 58.000 đồng/bình loại 50 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao nhất 538.500 đồng/bình 12 kg và 2.242.500 đồng/bình 50 kg. Đây đã là tháng thứ ba trong năm 2022 giá gas tăng và tăng liên tiếp với tổng mức 72.000 đồng/bình 12 kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)