Tin tức
Bản tin TCKD ngày 26/12/2022: Dầu thô hồi phục do lo ngại sụt giảm nguồn cung ở Nga và Mỹ
23 trên 31 mặt hàng đang giao dịch tại MXV tăng giá trong tuần qua, giúp chỉ số MXV-Index tăng thêm 1% lên mức 2.433 điểm. Đây là mức cao nhất của chỉ số hàng hóa này kể từ đầu tháng 12 tới nay, phản ánh xu hướng tăng của giá hàng hóa nguyên liệu trong tháng cuối năm. Chính đà tăng này đã thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư tại Việt Nam, giúp giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 10% trong tuần qua, đạt mức trung bình 4.300 tỷ đồng/ngày.
Nhóm năng lượng rõ ràng là điểm nhấn đáng chú ý nhất, khi giá xăng RBOB tăng mạnh 11,8% lên 2,38 USD/gallon, trong khi giá dầu WTI và dầu Brent cũng lần lượt ghi nhận mức tăng 6,8% và 6.1%. Đây là mức giá cao nhất của dầu thô kể từ ngày 02/12 tới nay, sau khi giá dầu đã hồi phục hơn 12% so với mức đáy thiết lập vào đầu tháng, khi các thông tin mới đều đang có xu hướng hỗ trợ giá.
Mới đây, Nga cho biết nước này có thể sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô đi 5 – 7%, tương đương khoảng 500.000 – 700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023, đồng thời ngừng bán dầu cho các quốc gia áp dụng mức giá trần đối với sản phẩm dầu thô nhập khẩu của nước này. Hãng tin Reuters ước tính xuất khẩu dầu của Nga có thể sẽ giảm tới 20% trong tháng 12.
Bên cạnh đó, những cơn bão tuyết và thời tiết lạnh ở Mỹ khiến hoạt động của các nhà máy lọc dầu phải tạm ngừng hoạt động. Bloomberg cho biết một số bang bị ảnh hưởng tới 1/3 công suất lọc dầu, sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng tại Mỹ ít nhất trong vài tuần tới, đúng giai đoạn nhu cầu sưởi ấm tăng cao.
Tác động tích cực từ giá dầu có thể được thấy rất rõ ở các mặt hàng liên quan như ngô và dầu đậu tương trong nhóm nông sản. Đây là 2 loại nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học, nên thường có chung xu hướng với giá dầu.
Trong tuần qua, giá ngô trên sở Chicago tăng 2% lên 262,29 USD/tấn và giá dầu đậu tương tăng mạnh 4% lên 1.453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất hơn 1 tháng của giá ngô thế giới, khi các thông tin về sản lượng thấp hơn kỳ vọng tại Brazil đang tạo ra lo ngại đối với nguồn cung. Đặc biệt là đối với Việt Nam, khi nước ta vẫn nằm trong 5 quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, và phần lớn trong số đó đến từ Brazil và Argentina.
Xu hướng tăng của giá ngô thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên giá ngô nhập khẩu tại các cảng biển của Việt Nam vào sáng nay. Cụ thể, giá ngô giao tháng 1 tại cảng Cái Lân hiện đã lên mức 345 USD/tấn, hàng giao tháng 2 và tháng 3 cũng tăng lên mức 355 USD/tấn. Đây là mức giá nhập khẩu cao hơn khá nhiều so với hồi đầu tháng 12, sẽ tạo áp lực lớn lên ngành chăn nuôi trong nước trong quý I/2023.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn từ 01/01 đến 15/12, Việt Nam đã nhập khẩu 8,9 triệu tấn ngô với kim ngạch nhập khẩu 3,13 tỷ USD. Đây là mức giảm 8,2% về lượng, nhưng tăng tới 13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã phản ánh được áp lực của ngành thức ăn chăn nuôi khi giá thế giới tăng cao, trong khi thị trường đầu ra các sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn khá ảm đạm.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)