sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 27/05/2022: Giá dầu Brent tăng 6 phiên liên tiếp lên mức cao nhất 2 tháng

27/05/2022

Dòng tiền giao dịch hàng hóa tiếp tục tăng thêm 30% trong ngày hôm qua, lên gần mức 5.900 tỷ đồng, khi đà tăng của cả 4 nhóm hàng hóa là năng lượng, nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại đang thu hút sự chú ý rất lớn của các nhà đầu tư trong nước. Chỉ số MXV - Index có phiên tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,1% lên 3.054 điểm. Theo các chuyên gia, việc chỉ số hàng hóa này vững vàng ở trên mốc 3.000 điểm, là dấu hiệu cho thấy một xu hướng tăng đang hình thành trên thị trường hàng hóa.

Dầu thô vẫn là tâm điểm của thị trường trong ngày hôm qua, khi giá dầu Brent đã có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 8 trên Sở ICE tăng 2,7% lên mức 114,17 USD/thùng và giá dầu WTI cũng tăng thêm 3,4% lên mức 114,09 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ rất mạnh trong vài ngày qua, sau các thông tin tiêu cực về nguồn cung. Ngày hôm qua, các nguồn tin uy tín đều dự báo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, gọi tắt là OPEC+ sẽ giữ nguyên các chính sách sản lượng trong cuộc họp đầu tháng 6 tới đây. Theo đó, tổ chức này sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng thêm 432.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng 7.

Theo Trung tâm tin tức Hàng hóa Việt Nam, mức tăng sản lượng này đã nằm trong kế hoạch và có phần thấp hơn so với cán cân cung cầu thực tế, cũng như kỳ vọng của thị trường, nên đây có thể coi là thông tin chính đã hỗ trợ giá tăng trong ngày hôm qua. Bên cạnh đó, nguồn tin từ Reuters cho biết, các nước trong nhóm OPEC+ trên thực tế sẽ khó có thể đạt được mức tăng sản lượng theo tuyên bố, nên nguồn cung dầu sẽ vẫn ở mức hạn chế trong thời gian tới.

Theo phát biểu mới đây của ông Alexander Novak, Phó Thủ tướng Nga, một thành viên chủ chốt trong nhóm, sản lượng dầu của nước này sẽ sụt giảm 8,4% trong năm nay, xuống chỉ còn khoảng 480 – 500 triệu tấn. Tuy nhiên, ông này cũng kỳ vọng sản lượng dầu của Nga sẽ sớm hồi phục trở lại khi tình hình tiêu thụ khả quan hơn.

Trong một diễn biến liên quan, liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nỗ lực đi đến một đồng thuận trong việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Theo Reuters, nếu trong trường hợp khối EU không thể đi đến được đồng thuận, cũng sẽ có những công cụ khác được đưa ra, nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới cán cân cung – cầu dầu trên thế giới và tiềm ẩn rất nhiều biến số đối với giá dầu trong trung và dài hạn.

Trong khi đó, Nhật Bản ngày hôm qua đã thông báo sẽ mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài kể từ ngày 10/06, còn Thượng Hải cũng đang chuẩn bị cho các kế hoạch hậu phong tỏa. Đây là các tin tức cực về nhu cầu, cũng góp phần vào phiên tăng giá hôm qua.

Đây là biểu đồ phân tích kĩ thuật của giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8 trên sở ICE. Quý vị có thể thấy đường xu hướng tăng màu xanh lá cây vẫn đang được duy trì trên biểu đồ này, cho thấy đà tăng vẫn vững vàng của giá dầu từ đầu năm tới nay. Mức kháng cự kỹ thuật tiếp theo trên biểu đồ là mức 120 USD/thùng, và là kháng cự cứng, có thể tạo ra nhiều lực bán và sẽ làm chậm đà tăng của giá.

Tuy nhiên, đường trung bình giá 30 ngày qua, là đường màu xanh da trời ở đây vẫn tiếp tục hướng lên, cho thấy giá dầu có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng, hoặc ít nhất sẽ neo ở các vùng giá cao trong ngắn và trung hạn. Các chỉ báo kĩ thuật khác cũng đều đang thiên về một xu hướng tăng, nên giới chuyên gia đang có chung nhận định rằng giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng trong vài phiên tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)