sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 28/03/2022: Dầu thô tiếp tục biến động mạnh ở các vùng giá cao

28/03/2022

Thị trường hàng hóa đã kết thúc 2 tuần giảm điều chỉnh và bật tăng mạnh mẽ trong tuần vừa qua ở cả 4 nhóm mặt hàng là Nông sản, Công nghiệp, Kim loại và Năng lượng. Trong đó, mọi tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước đang tập trung vào nhóm năng lượng, nơi chứng kiến mức tăng và biến động mạnh nhất. Chỉ số MXV-Index năng lượng tăng hơn 10% trong tuần qua, lên mức 5.196 điểm, là mức cao thứ 3 kể từ khi chỉ số này được MXV ban hành. Giá trị giao dịch của nhóm Năng lượng cũng đạt hơn 2.600 đồng mỗi phiên, chiếm gần 50% dòng tiền của toàn Sở.

Tất cả các mặt hàng chủ chốt trong nhóm đều tăng mạnh. Trong đó mức tăng lớn nhất là mặt hàng khí tự nhiên, tăng hơn 14% lên trên 5,6 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh. Mặt hàng này đã tăng giá cả 5 phiên trong tuần qua, và tăng tới 50% so với hồi đầu năm do gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tổng tồn kho khí gas tự nhiên của nước này giảm 51 tỷ feet khối so với tuần trước, xuống còn 1.389 tỷ feet khối, càng đào sâu hơn lo ngại về cú sốc nguồn cung khí tự nhiên và năng lượng toàn cầu khi mà Mỹ cũng như châu Âu sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc bù đắp sản lượng bị thiếu hụt từ Nga. Hiện tại, Mỹ đã và đang nỗ lực cung cấp nhiều khí LNG hơn cho châu Âu. Trong tháng 01/2022, Mỹ đã tăng gấp đôi lượng xuất khẩu, lên 4,4 tỷ mét khối. Đây là vấn đề hết sức quan trọng do Nga vẫn đang là thị trường cung cấp đến 40% nhu cầu khí tự nhiên của châu Âu.

Bên cạnh khí tự nhiên, hai mặt hàng dầu thô cũng có mức tăng rất mạnh, hơn 10%. Giá dầu WTI tháng 5 trên Sở NYMEX hiện đã đạt gần 114 USD/tấn và giá dầu Brent tháng 6 trên Sở ICE cũng đã đạt hơn 117 USD/thùng.

Điểm nghẽn trên thị trường dầu trong thời gian vừa qua là vấn đề xoay quanh Nga, EU và Mỹ vẫn chưa tìm được lời giải, khi Mỹ và châu Âu vẫn áp dụng các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga, trong đó dầu mỏ là một thành phần quan trọng của nền kinh tế. Nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga chưa thể tiếp cận các thị trường truyền thông, và đang phải chuyển hướng sang các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên các số liệu chính thức chưa cho thấy hiệu quả đột phá này. Cơ quan năng lượng quốc tế IEA dự báo kể từ tháng 4/2022, nguồn cung toàn cầu sẽ sụt giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày do ảnh hưởng từ Nga.

Khó khăn trên buộc các quốc gia tiêu thụ dầu lớn phải tìm kiếm nguồn cung thay thế. Tuy vậy, ngay tại Mỹ, quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, mặc dù giá dầu lên cao đã thúc đẩy số lượng giàn khoan dầu tăng trong 19 tháng liên tiếp, nhưng mức tăng gần đây rất nhỏ do nhiều công ty tập trung vào vấn đề cải thiện dòng tiền cho các nhà đầu tư hơn là thúc đẩy sản lượng. Tuần vừa rồi, theo dữ liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu tại Mỹ chỉ tăng 7 chiếc lên 531. Nguồn cung toàn cầu chưa có dấu hiệu được cải thiện là yếu tố chính dẫn đến mức tăng vọt trong tuần qua của dầu thô.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá dầu bất ngờ quay đầu giảm hơn 3 USD/thùng, bất chấp việc Bộ Năng lượng Ả rập Saudi tuyên bố nước này sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự thiếu hụt nào trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, sau khi một số liên doanh khai thác dầu của tập đoàn Saudi Aramco phải tạm thời dừng hoạt động. Một số nguồn tin đang cho biết Mỹ có thể xem xét giải phóng một lượng dầu khoảng 30 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược, và đây có thể là thông tin đang gây áp lực lên giá trong sáng nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)