sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 29/09/2022: Dầu WTI tăng vọt gần 5%, lấy lại mốc 80 USD/thùng

29/09/2022

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua 28/09, sắc xanh thêm một lần nữa áp đảo trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index tăng mạnh 1,85% lên mức 2.447 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ 2 liên tiếp.

Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng mạnh sau ngày sụt giảm trước đó, đạt mức 4.200 tỷ đồng khi mà dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường Năng lượng, nơi đã ghi nhận các mức tăng rất lớn của tất cả các mặt hàng xăng dầu trong ngày hôm qua.

Cụ thể, giá dầu WTI tăng vọt đến 4,65%, đóng cửa ở mức 82,15 USD/thùng. Dầu Brent cũng tăng gần 4%, chốt ở mức 88,05 USD/thùng. Lực mua quay trở lại thị trường khi giá chạm hỗ trợ tại khu vực 77 USD/thùng. Việc giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng liên tiếp 3 ngày trước đó, đã tạo ra cơ hội mua vào khá tốt đối với giới đầu tư, khi mà rủi ro địa chính trị và mất cân bằng cung – cầu vẫn có khả năng đẩy giá dầu lên cao.

Đêm qua theo giờ Việt Nam, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA phát hành báo cáo. Theo đó, trong tuần vừa qua, tồn kho dầu thương mại Mỹ bất ngờ giảm 0,2 triệu thùng, ngược với số liệu tăng 4,2 triệu triệu thùng/ngày của Viện Dầu khí Mỹ công bố ngày trước đó.

Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu cũng tăng mạnh ở hầu hết các sản phẩm như xăng, dầu diesel và dầu nhiên liệu máy bay, lên mức 20,77 triệu thùng/ngày, tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với kỳ báo cáo trước.

Không chỉ tại Mỹ, các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này trong quý IV/2022 khả năng cao sẽ phục hồi từ đáy quý III, khi mà các tín hiệu như số lượng đặt vé máy bay, mức độ tắc nghẽn giao thông đang có dấu hiệu tăng lên. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất trên thế giới, cùng với Mỹ, đây là hai quốc gia chiếm khoảng trên 30% tổng nhu cầu dầu thế giới. Do đó sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ của hai nước này tạo ra tín hiệu tích cực trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung lại cho thấy dấu hiệu có thể sụt giảm khi mà thời hạn bán dầu từ kho dự trữ khẩn cấp SPR của Mỹ sắp kết thúc.

Rủi ro nguồn cung càng cho thấy sự nghiêm trọng hơn trước thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ có thể quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tháng 10, trong khi EU dự định tăng cường cấm vận lên ngành dầu của Nga do căng thẳng leo thang tại Ukraine. Cụ thể, ngoài lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, EU cũng sẽ cấm các công ty châu Âu vận chuyển dầu Nga đến các nước khác, nếu giá dầu vận chuyển cao hơn trần giá quốc tế. Các chi tiết về gói cấm vận mới được kỳ vọng sẽ làm rõ trước tháng 12. Giới phân tích cho rằng giá dầu Brent và WTI vẫn có thể đạt lần lượt 100 và 95 USD/thùng trong quý IV trước rủi ro mất cân bằng cung – cầu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)