sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 29/12/2022: Khí tự nhiên lao dốc, cà phê Arabica bật tăng mạnh mẽ

29/12/2022

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua 28/12, mặc dù lực mua chiếm ưu thế trên bảng giá 3 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại; tuy nhiên, mức giảm rất mạnh của các mặt hàng Năng lượng đã kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index quay đầu giảm gần 0,5% xuống 2.438 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng có sự suy yếu, đạt mức 3.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 02 trên Sở NYMEX lao dốc gần 8,5% xuống còn 4,69 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 năm nay; thời điểm trước khi xung đột quanh khu vực Biển Đen diễn ra.

Theo Bloomberg, xuất khẩu khí tự nhiên từ gã khổng lồ của Nga, tập đoàn Gazprom, sang các thị trường nước ngoài đã giảm gần một nửa vào năm 2022 so với năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ. Cụ thể, tập đoàn này đã xuất khẩu 100,9 tỷ mét khối nhiên liệu đến các quốc gia chính trong năm nay, giảm 46% so với năm 2021 do dòng chảy đến châu Âu bị cắt giảm sau những căng thẳng tại khu vực Biển Đen. Điều này cũng phản ánh nhu cầu khí đốt suy yếu và kéo giá khí tự nhiên giảm mạnh trong phiên.

Ở một diễn biến khác, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03 trên Sở NewYork bất ngờ dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường với mức tăng gần 4% lên 3.826 USD/tấn; mốc cao nhất trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.

Mặt hàng này nhận hỗ trợ mạnh mẽ từ điều kiện thời tiết có xu hướng tác động tiêu cực đến mùa vụ cà phê trong niên vụ tới. Cụ thể, theo dự báo, khu vực sản xuất cà phê trọng điểm của Brazil sẽ ghi nhận lượng mưa cao hơn bình thường, làm gia tăng khả năng ngập úng. Lượng nước tồn đọng quá lớn trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của cây cà phê, nhiều khả năng có thể khiến sản lượng và chất lượng suy giảm.

Trong khi lo ngại nguồn cung đang gia tăng, nhu cầu tiêu thụ cũng có những dấu hiệu khởi sắc tích cực, càng thúc đẩy lực mua đối với cà phê Arabica trong ngày hôm qua. Cụ thể, mới đây, Hiệp hội Công nghiệp Cà phê Brazil (ABIC) đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ cà phê trong năm 2022 của quốc gia này vẫn tăng 1-1,5% so với năm ngoái.

Cùng với đó, trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cũng giữ nguyên dự đoán tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,3 triệu bao, tăng 3,3 triệu bao so với niên vụ 2020/21. Đồng thời tổ chức này cũng kỳ vọng cung – cầu cà phê trên toàn cầu sẽ thâm hụt 3,1 triệu bao.

Ở chiều ngược lại, Robusta có phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ với mức giảm mạnh 2,55%. Tỷ giá USD/VND kết hợp với nhu cầu đẩy mạnh hàng ra thị trường trước dịp Tết Nguyên Đán của nông dân Việt Nam, khiến lực bán tăng mạnh trên thị trường và gây sức ép lên giá.

Cùng chiều với giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ có sự suy yếu nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê được thu mua trong khoảng giá từ 40.000-40.700 đồng/kg.

Theo thống kê, luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 1,65 triệu tấn cà phê, đạt tổng kim ngạch 3,79 tỷ USD, tiến rất sát với mục tiêu kỷ lục 4 tỷ USD trong năm nay. Theo MXV, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam được nhận định đang ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia dự đoán 2023 sẽ là năm xuất khẩu khó khăn của Việt Nam. Một mặt do sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ hiện tại sẽ bù vào các kho dự trữ. Mặt khác, sản lượng suy yếu cũng làm giảm lượng xuất khẩu của nước ta.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)