sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 30/01/2024: Giá dầu hạ nhiệt từ đỉnh 2 tháng

30/01/2024

 Đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,67% xuống 2.141 điểm, đứt chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp trước đó. Mặc dù vậy, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn gia tăng tích cực, đạt trên 5.400 tỷ đồng, cao hơn 10% so với ngày trước đó.

Với 4 trên 5 mặt hàng giảm giá mạnh, nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường trong ngày hôm qua. Trong đó, khí tự nhiên là mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất, chốt ngày giảm 5,56% xuống 2,05 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm nay. Một diễn biến đáng chú ý khác, giá dầu hạ nhiệt từ mức cao nhất trong vòng 2 tháng. Cụ thể, dầu WTI kỳ hạn tháng 3 trên Sở NYMEX giảm 1,58% xuống 76,78 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tháng 4 niêm yết trên Sở ICE giảm 1,35% xuống 81,83 USD/thùng. 

MXV cho biết, giá dầu gặp sức ép lớn trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế, và mức độ tiêu thụ nhiên liệu trong tương lai của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nguồn cung tạm thời vẫn chưa gặp gián đoạn quá lớn nào bất chấp căng thẳng tại khu vực Trung Đông.

Một yếu tố khác góp phần gây áp lực lên giá, theo dữ liệu theo dõi tàu của Kpler, mức độ cắt giảm sản lượng tự nguyện của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang tương đối chậm. Điều này làm dấy lên lo ngại về mức độ tuân thủ cam kết và nguồn cung trên thực tế. 

Kpler ước tính, xuất khẩu từ 7 thành viên hàng đầu OPEC+ tham gia cắt giảm mới đạt trung bình khoảng 15,4 triệu thùng/ngày trong tháng này, hầu như không thay đổi so với tháng 12. Trong đó lượng xuất khẩu của cả nhóm ổn định ở mức khoảng 28,1 triệu thùng/ngày. 

Kuwait và Oman đã cắt giảm xuất khẩu đáng kể trong tháng 1, tuy nhiên Nga, Kazakhstan và Iraq chỉ cắt giảm ở mức khiêm tốn. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)