Tin tức
Báo cáo của IEA nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong ngày hôm nay
Giá dầu mở cửa phiên hôm nay với lực mua tiếp tục chiếm ưu thế, do kỳ vọng nhu cầu tích cực trong khi một số gián đoạn về nguồn cung cũng hỗ trợ cho giá. Khoảng giao dịch vẫn còn khá hẹp, khi nhiều nhà đầu tư thận trọng trước thềm ra báo cáo thị trường dầu tháng 1 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vào chiều nay.
Mới đây, người đứng đầu mới của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã đình chỉ hầu hết các hợp đồng xuất khẩu dầu nhằm xem xét rủi ro vỡ nỡ do bán với giá chiết khấu cao kể từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vào 2019. Hầu hết các bến vận chuyển dầu chính của Venezuela, cảng Jose, đều trống và hơn chục tàu đang ở khu vực neo đậu. Gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn có thể tiếp tục hỗ trợ cho giá.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ phía Nga cũng còn khá rủi ro, nhất là khi đầu tháng 2 các nước phương Tây sẽ cấm nhập khẩu sản phẩm tinh chế từ Nga. Nguồn tin cấp cao của Nga đã chia sẻ rằng lệnh cấm vận các sản phẩm dầu sẽ có tác động lớn hơn các hạn chế đối với dầu thô, do Nga cũng thiếu khả năng lưu trữ các sản phẩm dầu mỏ. Theo dự báo, vào năm 2022, sản lượng các sản phẩm dầu mỏ của Nga tăng gần 3% lên 272 triệu tấn và dự kiến sẽ giảm xuống 230 triệu tấn trong năm nay.
Một yếu tố tác động tới giá dầu trong phiên hôm nay sẽ là các dự báo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Trong báo cáo tháng 12 lần trước, IEA đã có góc nhìn tương đối tích cực về nhu cầu dầu thô trong năm 2023, với cán cân cung cầu khá cân bằng trong cuối năm 2022, và sau đó cầu sẽ vượt cung khoảng 800,000 thùng/ngày trong năm 2023. Với bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại trong tháng 12, nhiều khả năng báo cáo tháng 1 của IEA lần này cũng sẽ nhận định tích cực về nhu cầu và hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong ngày hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)