sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Cán cân cung cầu thúc đẩy lực mua trên thị trường hàng hoá

21/02/2023

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, sắc xanh đã quay trở lại bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Mặc dù thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày hôm qua, tuy nhiên lực mua tích cực trên nhóm Kim loại đã kéo chỉ số chung MXV- Index tăng gần 0,7% lên 2.368 điểm.

Giá dầu tăng trở lại

Giá dầu lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần, nhờ sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, cùng với việc các nhà sản xuất lớn tiếp tục hạn chế sản lượng và kế hoạch kiềm chế nguồn cung của Nga. Kết thúc phiên 20/02, giá dầu thô WTI tăng 1,12% lên 77,41 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,99% lên 83,49 USD/thùng.  

Thiếu vắng sự sôi động đến từ thị trường Mỹ vì kỳ nghỉ lễ, thanh khoản của thị trường giảm mạnh, tuy nhiên sức mua vẫn áp đảo khi mà các nhà phân tích kỳ vọng, nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm lọc dầu. Bloomberg ước tính, nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, lên mức cao nhất mọi thời đại là khoảng 16 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay.  

Triển vọng tiêu thụ cả trong và ngoài nước đã thúc đẩy các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng thông lượng dầu thô từ 850.000 thùng lên 1,2 triệu thùng/ngày. Bên cạnh việc nâng công suất, sẽ có ít nhất hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất lên tới 520,000 thùng sẽ đi vào hoạt động trong các tháng tới. Các động thái này đang phản ánh rằng nguồn cung được gia tăng tích cực để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới, và cũng là yếu tố hỗ trợ chính với thị trường dầu trong phiên hôm qua.  

Các nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm không nhỏ đối với nguồn cung dầu thô của Nga, trong bối cảnh nước này phải xoay sở để thích ứng với các lệnh cấm vận. Rủi ro về nguồn cung trong thời gian tới cũng tăng lên, khi mà Mỹ đang lên kế hoạch cho một đợt trừng phạt mới đối với Nga, bằng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.  

Hiện Nga có kế hoạch cắt giảm 5% sản lượng dầu, tương đương khoảng 500.000 thùng/ngày, tuy nhiên, trước thời điểm này, xuất khẩu dầu thô trên biển của Nga đã tăng 25% lên 3,6 triệu thùng/ngày, trong tuần kết thúc ngày 17/02.  

Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 20/02, lực mua có xu hướng chiếm ưu thế đối với nhóm kim loại. Trong một ngày tạm thời vắng bóng các thông tin tiêu cực khi thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ Lễ Tổng thống, giá các mặt hàng kim loại quý đã lấy lại được sắc xanh sau khi liên tục chịu sức ép từ yếu tố vĩ mô trong tuần trước. Bạc đóng cửa tăng 0,46% lên 21,81 USD/ounce. Bạch kim chốt phiên tại mức giá 927,5 USD/ounce sau khi tăng 0,66%. 

Đà tăng vọt của cả giá cổ phiếu và trái phiếu trong 6 tuần đầu năm đã chững lại, sau khi một loạt dữ liệu của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng tốt hơn nhiều so với dự kiến. Điều đó đồng nghĩa với việc chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn còn có thể được đẩy mạnh và kéo dài trong một khoảng thời gian, nhất là khi các dữ liệu lạm phát trong tháng 1 tại Mỹ vào tuần trước, thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tiêu dùng cá nhân (PCE) đều vượt kỳ vọng của thị trường. Nhóm kim loại quý được tìm đến với vai trò trú ẩn an toàn bên cạnh đồng Dollar Mỹ đang ghi nhận mức phục hồi trong thời gian gần đây. Trong một ngày vắng bóng các sức ép vĩ mô, bạc và bạch kim đã nhận được lực mua khi giá vẫn đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 11/2022 cho đến nay. 

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận một phiên tăng khá mạnh với mức tăng 1,7% lên 4,17 USD/pound, trước một vài những lo ngại về nguồn cung. Công ty khai thác lớn nhất của Canada, First Quantum Minerals cho biết họ có thể tạm dừng hoạt động khai thác đồng tại Panama vào ngày 23 tháng 2 khi khả năng lưu trữ đồng của công ty đã đạt đến mức giới hạn, sau khi Chính phủ đình chỉ giấy phép bốc hàng tại một cảng. Bên cạnh đó, tồn kho đồng trên Sở COMEX cũng tiếp tục giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2015, đạt khoảng 21.600 tấn. Trong khi tồn kho trên sở LME đạt mức 65.500 tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2015. Điều này gây ra rủi ro về các mức tăng đối với nhu cầu tiêu thụ trong tương lai trong khi dự trữ thấp, có thể đẩy giá đồng tăng mạnh.  

Tại Trung Quốc, tình trạng thắt chặt nguồn cung đồng phế liệu có thể sớm quay trở lại khi hầu hết các kho nguyên liệu thô được tích trữ đã cạn kiệt sau hai tuần sau nghỉ lễ. Trong khi đó, việc nối lại sản xuất muộn tại các nhà máy sau bảo trì dẫn đến tình trạng hết hàng tại một số nhà cung cấp phế liệu đồng cũng là yếu tố hỗ trợ cho kỳ vọng tiêu thụ và giá đồng trong phiên. 

Quặng sắt cũng đón nhận đà tăng tích cực 1,48% lên 128,4 USD/tấn khi thị trường lạc quan về việc Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp kích thích kinh tế tại kỳ họp Đại hội đại biểu toàn quốc vào đầu tháng 3 sắp tới. Bên cạnh đó, nhu cầu bổ sung hàng tồn kho tăng lên khi các nhà máy thép hàng đầu Trung Quốc nối lại sản xuất đã hỗ trợ cho giá sắt trong phiên. 

Xuất khẩu sắt thép cho thấy dấu hiệu khởi sắc tích cực

MXV nhận định, giá các kim loại cơ bản đang dần nhận được tín hiệu khởi sắc hơn sau một giai đoạn chịu các sức ép từ cả yếu tố vĩ mô và nhu cầu tiêu thụ trên thực tế. Nhiều khả năng xu hướng tích cực này sẽ được duy trì trong thời gian tới, nhất là với nhu cầu lấp đầy các kho dự trữ nhằm phục vụ cho các triển vọng tích cực về nhu cầu trên thị trường Trung Quốc. Bất động sản tại Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu ổn định trở lại, sẽ là điểm sáng cho việc tiêu thụ các kim loại trong lĩnh vực xây dựng, từ đó hỗ trợ cho giá đồng hay sắt thép.

Trên thị trường nội địa, theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 02 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu hơn 303 nghìn tấn sắt thép các loại, thu về kim ngạch 227,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sắt thép từ 01/02 – 15/02 năm nay đã tăng vọt gấp đôi. Giá trị xuất khẩu cũng đã tăng mạnh hơn 63,5%. Tín hiệu xuất khẩu khởi sắc mang đến kỳ vọng tích cực hơn đối với ngành sản xuất sắt thép xây dựng trong nước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)