Tin tức
Chỉ số hàng hoá MXV- Index xuống mức thấp nhất hơn 1 năm
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thêm một ngày lực bán áp đảo trên thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV- Index giảm ngày thứ 4 liên tiếp, với mức giảm 1,17% xuống 2.290 điểm, thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2021.
Giá trị giao dịch toàn Sở có sự sụt giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn đạt trên 3.400 tỷ đồng. Dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu ở thị trường nông sản, nơi ghi nhận những biến động rất lớn trong hôm qua.
Gía dầu nối dài đà giảm
Thị trường dầu thô đóng cửa trong sắc đỏ phiên thứ ba liên tiếp khi tâm lý e ngại rủi ro ngày càng gia tăng. Kết thúc phiên 10/03, giá dầu thô WTI giảm 1,23% về 75,72 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,29% về 81,59 USD/thùng.
Giá dầu đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày và tăng vào đầu phiên tối trước sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm về 105,31 điểm. Sức mua cũng xuất hiện khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa trong sắc xanh, kéo theo dòng tiền về với các thị trường tài chính, trong đó có thị trường dầu. Bên cạnh yếu tố về chuyển động dòng tiền, giá dầu cũng được hỗ trợ khi mà tập đoàn dầu khí Total Energies của Pháp đã không thể giao hàng từ các nhà máy lọc dầu do ảnh hưởng của các cuộc đình công.
Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được công bố hôm qua tăng lên mức cao nhất kể từ tuần cuối cùng của tháng 12/2022. Thị trường lao động có tín hiệu thắt chặt hơn khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những động thái mềm mỏng hơn để không khiến cho nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, sau đó, lực bán xuất hiện mạnh mẽ vào cuối phiên khi tâm lý thận trọng gia tăng. Số liệu việc làm quan trọng nhất của Mỹ là Bảng lương Phi Nông nghiệp sẽ được công bố vào tối nay, nên các nhà đầu tư cũng tiến hành đóng vị thế để giảm thiểu rủi ro. Sức bán cũng được cộng hưởng với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối phiên, khi cả ba chỉ số S&P500, Nasdaq và Dow Jones đều đánh mất gần 2%.
Thước đo lo ngại của thị trường, chỉ số VIX, đã tăng 18,32% lên 22,6 điểm, mức cao nhất trong vòng ba tuần. Có thể thấy, tâm lý chung của thị trường vẫn rất tiêu cực về các đợt tăng lãi suất sắp tới của Fed, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế. Triển vọng tiêu thụ dầu thô vì thế cũng giảm và kéo theo sự suy yếu của giá dầu.
Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư sẽ cần theo dõi số liệu Bảng lương Phi Nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 của Mỹ, bởi đây sẽ là căn cứ quan trọng để các quan chức Fed thực hiện điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này.
Các mặt hàng nông sản tiếp tục chịu sức ép bán
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/03, giá ngô tiếp nối đà lao dốc và hướng về vùng hỗ trợ tâm lí 600 cents. Đây cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp và mức giảm thậm chí còn ngày càng mở rộng hơn. Những thiệt hại về nguồn cung ở Argentina không còn là yếu tố bất ngờ, trong khi triển vọng nhu cầu đối với ngô Mỹ suy yếu lại gây áp lực mạnh tới giá là nguyên nhân lý giải cho lực bán ồ ạt khi bước vào phiên tối.
Trong báo cáo hàng tháng của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB), dự báo xuất khẩu ngô của nước này trong niên vụ 22/23 đạt mức 48 triệu tấn, tăng lên từ mức 47 triệu tấn trong báo cáo trước. Mức tăng này còn cao hơn so với mức điều chỉnh về sản lượng, và đến từ nhu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) cũng dự báo Brazil sẽ xuất khẩu 803.200 tấn trong tháng 03, cao hơn rất nhiều so với mức 107.200 tấn được ghi nhận trong tháng 03/2022. Thông tin này đã phản ánh cơ cấu cung cầu của thị trường ngô khi các nước nhập khẩu đang thiên về nguồn cung ở Nam Mỹ và từ đó tạo áp lực cạnh tới giá ngô Chicago.
Bên cạnh đó, thị trường cũng tiếp tục phản ứng với các số liệu đến từ báo cáo Cung – cầu tháng 3. Xuất khẩu của Mỹ cũng được USDA dự báo giảm và kéo theo tồn kho cuối niên vụ 22/23 được cải thiện cũng góp phần khiến cho lực bán áp đảo trong 2 phiên vừa qua.
Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng đóng cửa trong sắc đỏ và ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 tuần vừa qua. Nhìn chung, chuỗi giảm mạnh vừa qua của mặt hàng này vẫn được tiếp nối do những lo ngại về nguồn cung được xoa dịu bởi mùa vụ các nước sản xuất lớn đang khá ổn định.
Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp Nga vào ngày 03/03, hơn 93% diện tích lúa mì vụ đông đang ở trong tình trạng tốt và đạt yêu cầu. Điều kiện cây trồng tổng thể vẫn đang cao hơn trung bình 5 năm. Ngoài ra, việc trồng trọt vụ xuân đã bắt đầu ở các khu vực phía Nam với thời tiết thuận lợi và đáp ứng tiến độ. Bên cạnh đó, kỳ vọng của thị trường về thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen sẽ tiếp tục được gia hạn sau ngày 19/03 tới cũng đóng góp vào việc thúc đẩy lực bán đối với lúa mì trong phiên hôm qua.
Nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt giúp ổn định giá sản phẩm đầu ra ngành chăn nuôi
Giá thế giới suy yếu ngay lập tức đã giúp giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi nội địa hạ nhiệt. Ghi nhận trong sáng nay tại cảng Cái Lân, ngô Mỹ được chào bán ở mức giá 8.000 – 8.450 đồng/kg đối với kỳ hạn giao quý 2 năm nay. Theo đó, so với ngày đầu tuần, giá ngô đã giảm khoảng 50 -100 đồng/kg. Tương tự, giá chào bán khô đậu tương giao hàng trong quý 2 cũng giảm về mức 15.200 đồng/kg.
Áp lực giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi được giải toả phần nào đã kéo thị trường heo hơi nội địa cũng có xu hướng giảm theo. Sáng nay, giá heo hơi tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng giá 46.000 – 52.000 đồng/kg.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)