sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Đã 6 ngày giá hàng hoá nguyên liệu chìm trong sắc đỏ

12/10/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ tương đối cân bằng trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày hôm qua (11/10). Tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế khi nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức giảm mạnh, kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục giảm 0,86% xuống 2.191 điểm. 

Trong 8 ngày giao dịch gần nhất, có đến 6 ngày chỉ số này đóng cửa trong sắc đỏ, phản ánh xu hướng suy yếu của thị trường hàng hóa nguyên liệu.

Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu đường

Kết thúc ngày giao dịch 11/10, giá dầu cọ ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ 0,39%. Mặc dù khởi sắc trong đầu phiên nhờ lực mua kỹ thuật của các nhà đầu tư, nhưng sau đó giá nhanh chóng suy yếu trước áp lực của các yếu tố cơ bản.  

Việc tồn kho dầu cọ cuối tháng 9 của Malaysia đạt mức cao nhất trong vòng 11 tháng vẫn duy trì sức ép lên giá. Bên cạnh đó, các thương nhân cho biết hoạt động bán dầu hướng dương được đẩy mạnh ở khu vực biển Đen đã giúp giá loại dầu này chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá dầu cọ thô trên thị trường quốc tế.  

Cùng với đó, giá hai mặt hàng đường đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá đường 11 giảm 2,40% và giá đường trắng mất 1,45% so với mức tham chiếu. Giá dầu giảm sâu hỗ trợ việc gia tăng nguồn cung đường tại Brazil, trong khi Ấn Độ quyết định hạn chế thay vì cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24. 

Theo đó, giá dầu thô giảm gần 3% trong phiên hôm qua đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil tiếp tục ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết xuất ethanol. Điều này giúp nguồn cung đường có thêm cơ hội gia tăng trong thời gian tới.  

Trước đó, trong báo cáo sản lượng đường nửa cuối tháng 9, Tập đoàn công nghiệp UNICA cho biết, các nhà máy đã phân bổ 51,1% diện tích mía để sản xuất đường so với 45,3% một năm trước, do chất làm ngọt vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với ethanol. 

Trong khi đó, đài truyền hình ET Now đưa tin, chính phủ Ấn Độ đã quyết định hạn ngạch xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24. Điều này được coi là tích cực hơn mong đợi khi thị trường luôn lo ngại quốc gia này sẽ cấm xuất khẩu đường để đảm bảo cung nội địa.  

Ở chiều ngược lại, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục cùng khởi sắc. Trong đó, giá Arabica tăng 0,14% và giá Robusta tăng 0,26% so với tham chiếu. Xuất khẩu cà phê bất ngờ giảm trong tháng 9 tại Brazil, kết hợp cùng sự mạnh lên của đồng Real đã gây áp lực lên giá.  

Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), Brazil đã xuất đi 3,02 triệu bao cà phê xanh loại 60kg, thấp hơn mức 3,16 triệu bao trong cùng kỳ năm trước cũng như mức 3,47 triệu bao trong tháng 8. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica giảm mạnh khoảng 20% xuống còn 2,4 triệu bao, do giá cà phê Arabica giảm đã cản trở xuất khẩu. 

Đồng thời, đồng Real của Brazil mạnh lên đã kéo theo tỷ giá USD/Brazil tiếp tục giảm thêm 0,07% trong phiên hôm qua. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp dần đã phần nào hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ quay đầu giảm 400 đồng/kg sau ngày phục hồi nhẹ trước đó. Như vậy, giá cà phê trong nước đã liên tục suy yếu kể từ đầu tháng 10, hiện được thu mua trong khoảng 62.800 – 63.400 đồng/kg. 

Giá dầu hết đà tăng nóng, tâm lý nhà đầu tư ổn định lại

Đóng cửa hôm qua (11/10), giá dầu đã xoá hoàn toàn mức tăng đột biến vào hồi đầu tuần - thời điểm bắt đầu diễn ra cuộc xung đột tại Israel. Tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại do chưa chịu thiệt hại nào về nguồn cung bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tại Trung Đông. Cùng với đó, dấu hiệu cho thấy mức độ thâm hụt có thể thu hẹp lại trong giai đoạn cuối năm, đã gây sức ép bán cho dầu thô trong phiên. 

Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 2,88% xuống 83,49 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tại mức giá 85,82 USD/thùng, giảm 2,09%.  

Thủ lĩnh của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Saudi Arabia cho biết quốc gia này đang làm việc với các đối tác trong khu vực và quốc tế nhằm ngăn chặn sự leo thang và tái khẳng định nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ. Điều này góp phần xoa dịu các căng thẳng trong khu vực và những lo lắng xung quanh việc nguồn cung dầu bị ảnh hưởng, thúc đẩy lực bán trên thị trường. 

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã phát hành Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 10, trong đó dự báo mức thâm hụt nguồn cung cấp dầu thô có xu hướng thu hẹp trong quý III và quý IV so với báo cáo hồi tháng 9.  

Tiêu thụ dầu thô toàn cầu được EIA điều chỉnh giảm trong hai quý cuối năm nay với cùng mức giảm 0,1% so với báo cáo trước đó, tương đương khoảng hơn 100.000 thùng/ngày, xuống các mức lần lượt 101,44 và 101,62 triệu thùng/ngày.  

EIA cũng điều chỉnh nâng nhẹ sản lượng trung bình năm 2023 thêm 0,1% lên mức 101,26 triệu thùng/ngày, tương đương mức tăng 80.000 thùng/ngày so với báo cáo trước. Nguyên nhân từ sản lượng gia tăng của các quốc gia ngoài OPEC bù đắp phần thiếu hụt từ các nước OPEC.  

Nhìn chung, mức thâm hụt trong hai quý cuối năm theo báo cáo lần này của EIA được dự báo sẽ thu hẹp đáng kể. Cụ thể, mức thâm hụt trong quý III/2023 giảm xuống chỉ còn 270.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với ước tính thâm hụt 510.000 thùng/ngày trong báo cáo tháng 9. Trong khi đó, thị trường được dự báo cũng dần trở lại về trạng thái cân bằng trong quý IV, thay vì mức thâm hụt 240.000 thùng/ngày trong báo cáo trước đó.  

EIA dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 90,67 USD/thùng trong quý cuối năm, giảm khoảng 2 USD/thùng so với ước tính trước. Các kỳ vọng này đã gây sức ép cho giá dầu trong phiên. Tuy nhiên, EIA cho rằng giá dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ lên mức trung bình 94,67 USD/thùng trong năm 2024 dưới tác động từ nguồn cung thu hẹp. 

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ bất ngờ tăng mạnh 12,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 6/10, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ tăng 500.000 thùng/ngày của Reuters. Thông tin này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ đang chững lại, tạo áp lực lên giá dầu trong sáng nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)