Tin tức
Dầu thô có thể sẽ tiếp tục gặp áp lực khi thiếu vắng động lực thúc đẩy nhu cầu
Dầu thô mở cửa phiên với lực mua chiếm ưu thế, sau đà lao dốc mạnh hơn 3% trong phiên hôm qua, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ. Sau cuộc họp lãi suất, mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa dừng lại, và Fed sẽ chưa hạ lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, điều mà thị trường đang trực tiếp nhìn nhận là việc lạm phát hạ nhiệt đáng kể, và tin rằng Fed đang gần đạt đến cuối chu kỳ thắt chặt.
Tâm lý lạc quan thể hiện qua việc các nhà giao dịch hợp đồng tương lai quỹ của Fed kỳ vọng lãi suất qua đêm chuẩn sẽ đạt đỉnh 4.89% vào tháng 6, trước khi giảm trở lại 4.39% vào tháng 12. Đây sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm mạnh của giá dầu trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, quay trở lại với triển vọng cung – cầu, thì đây vẫn đang là yếu tố lớn gây sức ép tới giá.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày hôm qua đã cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 27/01 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Tổng sản phẩm được cung cấp trung bình 4 tuần đạt mức 19.3 triệu thùng, thấp hơn 10.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này tiếp tục phản ánh nhu cầu có dấu hiệu suy yếu.
Tối nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp lãi suất, với kỳ vọng từ thị trường cho rằng 50 điểm cơ bản sẽ được bổ sung nhằm kiểm soát lạm phát. Lạm phát tại khu vực này vẫn đang ở mức cao và so với Fed, ECB có thể vẫn sẽ cần nhiều thời gian để duy trì đà tăng lãi suất này. Điều này sẽ gây ra lo ngại về suy thoái kinh tế và hạn chế nhu cầu tiêu thụ năng lượng, gây áp lực tới giá dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)