sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Dầu thô tăng mạnh trong tuần, thị trường chờ đợi thông tin tuần mới

19/04/2021

Giá dầu thô kết thúc tuần 16/4 với xu hướng tăng mạnh mẽ. Cụ thế, giá WTI đóng cửa ở mức 63.13 USD/thùng, tăng 6.42% trong khi giá Brent đạt 66.77 USD/thùng, tăng 6.07%.

Giá dầu tăng cao trong tuần nhờ có các tín hiệu tích cực về nền kinh tế thế giới trong nửa cuối 2021, khi tháng 3 vừa qua Tổ chức tiền tệ IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2021 lên mức 6% so với con số 5.4% đưa ra trước đó. Điều này thúc đẩy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tăng dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm nay, củng cố tâm lý lạc quan của thị trường. Thêm vào đó, tuần vừa qua hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng công bố các dữ liệu tích cực. Doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng 3 tăng cao nhất trong 10 tháng gần đây, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng vừa rồi Trung Quốc cũng tăng 30.6% so với năm ngoái. Thị trường kì vọng đây là tín hiệu bắt đầu của quá trinh phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ khi báo cáo tồn kho ngày 14/4 của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tuần 09/4 giảm sâu xuống 5.9 triệu thùng. Mức giảm này mạnh hơn nhiều con số 2.9 triệu mà các chuyên gia dự đoán trước đó. Thêm vào đó, việc phiến quân Houthi 2 lần tấn công vào các cơ sở dầu của công ty Aramco cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng đảm bảo nguồn cung của Saudi Arabia.

Bên cạnh 2 yếu tố cơ bản trên, đồng USD suy yếu kết hợp với lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ thấp cũng hỗ trợ tích cực cho giá dầu.

Ở chiều ngược lại, đà tăng của giá bị kìm hãm bởi diễn biến tiêu cực trong việc triển khai vắc-xin Covid-19. Vắc-xin Johnson & Johnson (J&J) bị ngừng triển khai ở Mỹ, EU và Nam Phi trong khi Đan Mạch tuyên bố sẽ không sử dụng AstraZeneca do lo ngại về về tình trạng đông máu mà các sản phẩm này có thể gây ra. Trong khi đó, Ấn Độ - công xưởng sản xuất vắc xin COVID của thế giới – phải ngừng xuất khẩu và quay sang nhập thêm thuốc để phục vụ nhu cầu nội địa do dịch bùng phát trở lại ở nước này.

Trong tuần này, giá dầu khó có thể tăng khi nguồn cung có khả năng tăng trở lại: Kết thúc tuần vừa rồi, hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes thông báo số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tuần vừa qua đã tăng thêm 7 chiếc. Điều đó cho thấy, giá dầu cao có thể thu hút các nhà sản xuất tăng thêm sản lượng. Ngoài ra, theo dự kiến, OPEC+ cũng sẽ tăng sản lượng thêm 350,000 thùng/ngày trong tháng 5. Như vậy, áp lực lên nguồn cung có thể sẽ giảm dần và tác động tiêu cực lên giá dầu. Do đó, trong tuần này các nhà đầu tư cần chú ý đến báo cáo tồn kho EIA phát hành lúc 21h30 tối thứ 4 để nắm được xu hướng nguồn cung trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các thông tin cập nhật về tình hình dịch COVID tại các khu vực trên thế giới cũng là yếu tố quan trọng cần nắm bắt, khi triển vọng lạc quan về sự phục hồi nền kinh tế thế giới mà các tổ chức đưa ra phụ thuộc chặt chẽ vào khả năng kiểm soát dịch.