Tin tức
Dầu WTI tăng tháng thứ 5 liên tiếp, dẫn dắt bởi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung là chủ yếu
Giá dầu kết thúc trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua, với WTI giảm 0.47% xuống 109.77 USD/thùng trong khi giá dầu Brent nhích nhẹ 0.12% lên 113.56 USD/thùng. Thị trường tiếp tục các biến động mạnh.
Dầu thô WTI tăng trở lại trong phiên sáng nay, nhưng thực chất vẫn khó để cho giá có thể tạo được đà tăng vững chắc. Mặc dù chỉ số OVX, đo lường sự biến động trên thị trường dầu, hay còn gọi là “thước đo sự sợ hãi” trên thị trường dù đã giảm dần trong 2-3 tuần gần đây nhưng vẫn duy trì ở mức trên 45, cao hơn các năm thường chỉ ở vùng 30-40. Khối lượng giao dịch giảm cho thấy không có nhiều động lực để giúp cho giá thoát khỏi khoảng giao dịch rộng từ tháng 3. Cùng với thị trường tài chính chung, dòng tiền đã giảm bớt khỏi thị trường dầu khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn và chuyển sang nắm giữ tiền mặt. Dollar Index hiện vẫn đang ở gần vùng đỉnh trong vòng 2 năm. Thực chất, giá Dollar giảm trong thời kỳ này phản ánh đà tăng của Euro chứ không phải là giới đầu tư tiến hành quay lại các thị trường rủi ro. Việc Ngân hàng ECB cho biết sẽ tiến hành tăng dần lãi suất trong tháng 7 và tháng 9 là yếu tố chính dẫn đến Euro tăng giá và gây sức ép lên Dollar trên thị trường ngoại hối. Vì vậy, dù các thông tin cơ bản đều gợi ý giá sẽ còn tiếp tục tăng khi cán cân cung – cầu ngày càng chênh lệch, đặc biệt khi Saudi Arabia liên tục tuyên bố đã làm hết khả năng có thể cho khâu sản xuất, báo hiệu các quốc gia dầu lớn tại Trung Đông sẽ không thể sớm gia tăng sản lượng cho thị trường, thì giá dầu vẫn chưa thể thoát khỏi khoảng giao dịch.
Trên biểu đồ kỹ thuật, giá WTI kỳ hạn tháng 07/2022 giằng co quanh vùng giá mở của tại 110.5 USD/thùng. Giá 3 phiên test hỗ trợ vùng 109-109.5 USD/thùng và chưa có dấu hiệu bứt phá khỏi khoảng hẹp. RSI và MACD tiếp tục xu hướng đi ngang. Có thể mở vị thế bán tại vùng 112 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời ngắn 1-1.5 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa