sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Đối mặt với nhiều lực tác động trái chiều, dầu thô nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giằng co

02/05/2022

Dầu thô tiếp tục tăng trong tuần kết thúc ngày 29/04, với dầu WTI tăng 2.57% lên 104.69 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 0.93% lên 107.14 USD/thùng. Lo ngại về khả năng Liên minh châu Âu EU áp dụng lệnh cấm vận lên ngành dầu khí của Nga là yếu tố chính hỗ trợ đà tăng của giá. 

Bất chấp thông tin EU lên kế hoạch tiến hành cấm nhập khẩu dầu thô của Nga trong cuối năm nay, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách này khó có thể được thông qua vào thứ Tư tuần này như dự định. Trước hết, bất kỳ chính sách lớn nào của EU cũng cần phải nhận được sự thống nhất của toàn bộ các thành viên. Trong khi đó, mới đây, Hungary cũng đã tuyên bố sẽ không đồng ý với các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga, nhất là khi các lệnh này sẽ khiến tạo khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung, cũng như khiến cho gánh nặng chi phí giá cả tăng lên. Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp lệnh cấm vận được thông qua, các thành viên EU vẫn có thể tìm cách né tránh quy định. Đơn cử như các nhà nhập khẩu của Đức, được cho là đang tìm cách thanh toán hợp đồng nhập khẩu khí từ Nga, mặc dù EU phản đối các thành viên thanh toán các hợp đồng bằng tiền Rúp. Sự thiếu đồng nhất giữa hành động của cách quốc gia trong khối và chính sách chung khiến cho giá chưa tạo được đà tăng, mặc dù theo ước tính, khoảng 2.4 triệu thùng dầu/ngày có thể biến mất khỏi thị trường nếu EU thực sự thông qua lệnh cấm vận. 

Các dữ liệu mới từ Trung Quốc cũng tạo áp lực cho thị trường trong phiên đầu tuần. Chỉ số quản lý thu mua PMI, đo lường “sức khỏe” của ngành sản xuất trong tháng 4 chỉ đạt 41.9, mức thấp nhất trong vòng 2 năm, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở quốc gia này. Chỉ số dưới 50 thường được coi là tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế. Việc các trung tâm tài chính như THượng Hải, và trung tâm sản xuất tại Trường Xuân phải đóng cửa được cho là nguyên nhân chính dẫn khiến cho các chỉ số kinh tế không đạt như kỳ vọng. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc, “công xưởng quốc tế” sụt giảm chắc chắn sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đi xuống, là yếu tố tác động tiêu cực đến giá dầu. 

Về mặt kỹ thuật, các chỉ số RSI và MACD đang đi ngang trong khi dải Bollinger Bands chưa có dấu hiệu mở rộng. Giá dầu nhiều khả năng sẽ đi trong khoảng 103-105 USD/thùng trong phiên hôm nay. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp