Tin tức
Giá dầu có thể biến động theo kịch bản dữ liệu lạm phát châu Âu
Giá dầu diễn biến tương đối giằng co trong phiên mở cửa sáng nay. Càng gần các phiên họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tâm lý của các nhà đầu tư sẽ càng thận trọng hơn.
Trong phiên hôm nay, các dữ liệu tại khu vực châu Âu, trong đó có dữ liệu thông cáo lạm phát tháng 4 nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu biến động rõ hơn, nhất là khi ECB sẽ họp lãi suất trong tuần này.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đang được dự báo sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 6,9% trong tháng trước. Lạm phát lõi nhiều khả năng vẫn sẽ ít thay đổi. Đây vẫn là bài toán chung đối với bức tranh lạm phát không chỉ tại châu Âu, và điển hình là tại Mỹ, khi vòng xoáy tiền lương tăng – giá tăng vẫn khó kiểm soát.
Trong trường hợp dữ liệu lạm phát cao hơn hoặc bằng dự báo, kỳ vọng tiến trình thắt chặt của ECB có thể kéo dài sẽ gây ra áp lực lên giá dầu, bởi lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng. Thị trường đang dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này, nhưng khác với Fed, con đường thắt chặt của ECB nhiều khả năng sẽ còn xa hơn.
Một yếu tố khác cũng là áp lực đối với giá dầu, đó là nguy cơ chạm trần nợ của Mỹ. Bộ trưởng Bộ tài chính mỹ, bà Yellen đã cảnh báo Mỹ có thể chạm trần nợ vào ngày 1/6, sớm hơn nhiều so với dự kiến. Tổng thống đã liên lạc với các lãnh đạo cuộc hội tổ chức cuộc họp vào ngày 9/5 thảo luận về vấn đề nâng trần nợ. Nhưng những sự khác biệt trong quan điểm chi tiêu vẫn sẽ là rào cản. Lo ngại này sẽ khiến các nhà đầu tư hạn chế các vị thế trên thị trường rủi ro, trong đó có dầu thô.
Yếu tố tích cực đối với giá dầu vẫn sẽ là triển vọng tiêu thụ tại khu vực châu Á. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng 4,6% trong năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10, theo triển vọng kinh tế khu vực tháng 5 được công bố hôm thứ Ba. Dự báo tích cực này chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng lạc quan của Trung Quốc và Ấn Độ. Triển vọng nâng cấp của IMF có nghĩa là khu vực này sẽ đóng góp khoảng 70% tăng trưởng toàn cầu.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)