Tin tức
Giá dầu có thể được hỗ trợ bởi báo cáo tháng 6 của nhóm OPEC
Sau phiên lao dốc mạnh trong ngày hôm qua, giá dầu đang lấy lại sắc xanh và nhiều khả năng, đà phục hồi sẽ tiếp tục do tín hiệu thúc đẩy kinh tế từ Trung Quốc, và tác động từ báo cáo tháng 6 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Vào sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày xuống còn 1,9%, từ mức 2%. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng có thêm nguồn vốn tạm thời, kích thích tín dụng. Ngoài ra, trong quá khứ, một số hiệu chỉnh lãi suất cơ bản cho vay 1 năm (MLF) của Trung Quốc thường đến sau khi hiệu chỉnh lãi suất mua lại đảo ngược. Do đó, điều này làm tăng kỳ vọng của thị trường rằng ngày 15/06 sắp tới, POBC sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và đây là yếu tố tích cực thúc đẩy đà phục hồi của giá dầu.
Yếu tố thứ hai sẽ là báo cáo thị trường dầu thô tháng 6 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tháng 5 là thời điểm các nước OPEC bắt đầu tiến hành cắt giảm thêm sản lượng tự nguyện khoảng 1,16 triệu thùng dầu/ngày. Nhiều khả năng báo cáo lần này sẽ cho thấy sản lượng từ OPEC trong tháng 5 sẽ sụt giảm mạnh, chủ yếu là từ Saudi Arabia. Khảo sát hồi đầu tháng từ Reuters cho biết sản lượng OPEC sẽ giảm 460,000 thùng/ngày trong tháng 5 so với tháng trước xuống khoảng 28,01 triệu thùng/ngày. Sản lượng giảm mạnh hơn dự báo sẽ có tác động “bullish” tới giá dầu.
Mặc dù vậy, nếu xét toàn OPEC+, mức hạn ngạch mục tiêu sau cắt giảm tự nguyện vẫn đang lớn hơn khoảng 250,000 thùng/ngày so với sản lượng hồi tháng 4. Điều này là do một số quốc gia Châu Phi vẫn luôn sản xuất dưới mức hạn ngạch rất nhiều. Nên nhìn chung, sản xuất trên thực tế của toàn OPEC+ vẫn không đạt mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát tháng 5 của Mỹ công bố vào tối này sẽ có tác động mạnh tới thị trường dầu. Nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, kỳ vọng Fed tạm dừng tăng lãi suất trong các kỳ họp tới được củng cố có thể hỗ trợ giá dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)