Tin tức
Giá dầu có thể duy trì đà giảm về vùng 76,5 - 77 USD
Áp lực bán duy trì mạnh mẽ trên thị trường dầu trong phiên sáng sau khi thông báo gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện sang quý II/2024 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) không gây bất ngờ đối với thị trường, khi điều này đã được thị trường đồn đoán từ trước.
Trong khi đó, tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) khai mạc ngày 5/3, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, phù hợp với mức tăng trưởng của năm ngoái. Nhưng các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay khó đạt hơn nhiều so với năm 2023, do cơ sở so sánh cao hơn. Trước đó vào năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19.
Do vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn đang trong trạng thái trì trệ và niềm tin người dân suy yếu, việc Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng tham vọng trong năm 2024 có thể nhận lại phản ứng thờ ơ từ phía nhà đầu tư. Lo ngại về triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới có thể gây nhiều sức ép lên giá dầu.
Hơn nữa, khảo sát sơ bộ từ Reuters cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/3 dự kiến tăng 2,6 triệu thùng/ngày, sau mức tăng 4,2 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 23/2, phản ánh nhu cầu tại Mỹ vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, kỳ vọng nỗ lực đàm phán quốc tế có thể hướng các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột giữa Israel - Hamas cũng khiến tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn trong khu vực được giảm bớt. Mỹ, Ai Cập và Qatar, những nước trung gian hòa giải chính, đang cố gắng thuyết phục Israel tạm dừng giao tranh ở Gaza và thả các tù nhân Palestine để đổi lấy việc Hamas giải phóng con tin. Trong khi đó, các cuộc đàm phán ở Cairo cũng nhằm đảm bảo có thêm viện trợ cho khu vực bị tàn phá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)