Tin tức
Giá dầu có thể giảm do nền kinh tế Trung Quốc chậm hồi phục
Đà tăng của giá dầu trong phiên sáng đang dần bị xoá bỏ khi những dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy đà phục hồi chậm hơn dự kiến. Nhiều khả năng sức ép bán sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay, nếu như báo cáo thị trường dầu tháng 5 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) không có nhiều dự đoán bất ngờ.
Sản lượng công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,9% của tháng 3, nhưng tăng chậm hơn nhiều do với dự báo tăng 10,9%. Tháng 4 năm ngoái là thời điểm Thượng Hải phong toả toàn thành phố vì dịch bệnh Covid-19, nên các hoạt động kinh tế gần như tê liệt. Do đó, mức tăng trưởng 5,6% trong tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái là một con số khá khiêm tốn.
Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuối năm 2021, ở mức 4,7% trong tháng 4. Các biện pháp kích thích kinh tế vẫn đang khá hạn chế, trong khi đà phục hồi chậm hơn dự kiến sẽ là yếu tố gây áp lưc tới giá dầu, do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ chưa có sự bùng nổ.
Thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 61,1 triệu tấn. Tuy nhiên, có thể thấy xu hướng gia tăng trong xuất khẩu các sản phẩm diesel của Trung Quốc. Thậm chí trong tháng 3, các lô hàng xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc đã tăng lên 1,44 triệu tấn, tăng tới 113,8% so với mức 0,67 triệu tấn một năm trước.
Do đó, mặc dù thông lượng lọc dầu vẫn tích cực, nhưng một phần để dự trữ, khi giá dầu ở mức không quá cao, và một phần để đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi tiêu thụ nội địa vẫn còn yếu.
Trong chiều nay, IEA sẽ phát hành báo cáo năng lượng tháng 5, các báo cáo tháng trước đó của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) không có quá nhiều sự điều chỉnh về cung cầu, nên nhiều khả năng IEA sẽ giữ nguyên các dự báo. Trong trường hợp đó, giá dầu có thể tiếp tục gặp sức ép do dữ liệu kinh tế kém sắc của Trung Quốc.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)