sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá dầu có thể giảm về 76 USD trong phiên giao dịch đầu tuần

11/03/2024

Áp lực bán duy trì mạnh mẽ khi trong phiên sáng khi thị trường tập trung đánh giá mối lo ngại dai dẳng xoay quanh triển vọng kinh tế không chắc chắn của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.

Mặc dù dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cuối tuần qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã phá vỡ chuỗi giảm phát kéo dài 5 tháng, nhưng các nhà kinh tế cho rằng sự gia tăng giá tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, do sự thúc đẩy từ kỳ nghỉ dài ngày dần bị lu mờ bởi những dấu hiệu về nhu cầu chậm chạp trong nước.

Trong khi đó, việc nước này đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024 được xem là khá tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong trạng thái trì trệ kéo dài, trong khi niềm tin của người dân còn yếu. Do vậy, bất chấp thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho rằng vẫn còn dư địa để cắt giảm yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng, các nhà kinh tế vẫn cho rằng điều này là không đủ để đạt được mục tiêu tham vọng của chính phủ. 

Ngoài ra, thị trường có thể cũng sẽ hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết hạn chế sản lượng của các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Khảo sát của Bloomberg, Reuters, S&P Global Commodity Insights đều cho thấy sản lượng của nhóm trong tháng 2 cao hơn tháng trước, với một số quốc gia vẫn sản xuất vượt quá hạn ngạch. Ước tính mới nhất của Argus cho thấy sản lượng của nhóm đã tăng 80.000 thùng/ngày lên 34,62 triệu thùng/ngày trong tháng 2, vượt mục tiêu 300.000 thùng/ngày, với sản lượng của Iran cao nhất kể từ tháng 10/2018 và sản lượng của Venezuela cao nhất kể từ tháng 2/2019.

Do vậy, thông tin OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong quý hai có thể đã không còn là yếu tố mang tính hỗ trợ giá trong ngắn hạn. Điều thị trường quan tâm lúc này là các số liệu thực tế chứng minh mức độ tuân thủ thỏa thuận chung của từng thành viên trong nhóm. Vì thế, tâm lý thị trường có thể sẽ thận trọng chờ đợi loạt báo cáo tháng 3 của các tổ chức lớn, bao gồm OPEC, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tuần này.

Tuy nhiên, thị trường có thể cũng sẽ cảnh giác với biến số về rủi ro địa chính trị khi các cuộc đàm phán quốc tế về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn đang rơi vào bế tắc. Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn còn dai dẳng khi Ukraine đã từ chối lời kêu gọi đàm phán chấm dứt chiến tranh với Nga của Giáo hoàng Francis. Mặc dù vậy, trong trường hợp căng thẳng chưa có sự bùng phát, giá dầu có thể vẫn sẽ tiếp tục giao dịch trong phạm vi hẹp. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)