Tin tức
Giá dầu có thể giằng co trước tác động trái chiều về nhu cầu trong khi nguồn cung vẫn còn là ẩn số
Dầu thô mở cửa phiên hôm nay với mức giá cao hơn khi báo cáo tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh trong tuần qua. Tuy nhiên, sức ép bán đang dần gia tăng khi dữ liệu kinh tế trong tháng 11 của Trung Quốc đang khá tiêu cực. Chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất (bao gồm xây dựng và dịch vụ) đều ở dưới ngưỡng 50 tháng thứ 2 liên tiếp, biểu thị sự thu hẹp quy mô trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 liên tục lập đỉnh. Giao thông đường bộ và tàu điện ngầm ở các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua do các lệnh hạn chế di chuyển. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu thụ nhiên liệu và vẫn sẽ tạo ra sức ép đối với giá dầu.
Mặc dù vậy, việc các nhà đầu tư kỳ vọng vào kịch bản Trung Quốc sớm mở cửa trở lại có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm của giá dầu trước các thông tin tiêu cực về tình hình sản xuất. Thêm vào đó, nguồn cung vẫn đang còn là ẩn số gây rủi ro lớn tới giá, đặc biệt là khi nhiều nguồn tin đang cho biết OPEC+ có thể sẽ tiếp tục có kế hoạch cắt giảm sản lượng trong cuộc họp cuối tuần này. Mức cắt giảm được dự báo trong khoảng khá rộng, từ 500,000 thùng đến 2 triệu thùng/ngày.
Các quốc gia phương Tây vẫn chưa tìm được tiếng nói chung đối với mức trần giá dầu của Nga. Trong trường hợp nhóm EU vẫn chưa thể đưa ra mức giá vào ngày 5/12, các biện pháp trừng phạt theo kế hoạch sẽ có hiệu lực và có thể sẽ khiến giá dầu tăng mạnh vì những biện pháp đó hạn chế nhiều hơn đối với dòng chảy dầu thô từ Nga, khiến nguồn cung eo hẹp.
Ngoài ra, trong trường hợp báo cáo tồn kho dầu của EIA được công bố vào tối nay cũng giảm mạnh giống như báo cáo API, giá dầu nhiều khả năng sẽ lấy lại động lực tăng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)