Tin tức
Giá dầu có thể phục hồi khi căng thẳng địa chính trị còn tiềm ẩn
Giá dầu diễn biến tương đối giằng co trong phiên sáng, với sức ép chính đến từ phía nhu cầu.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), hoạt động sản xuất tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới đã thu hẹp trở lại trong tháng 10. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 10 của Trung Quốc chỉ đạt 49,5 điểm, thấp hơn so với dự báo và mức 50,2 điểm ghi nhận trong tháng 9. PMI sản xuất rơi xuống ngưỡng thu hẹp làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu yếu của Trung Quốc, gây sức ép lên giá dầu.
Mặc dù tâm lý lo ngại xung đột Israel - Hamas đã phần nào giảm bớt, tuy nhiên rủi ro căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang vẫn còn tiềm ẩn. Xu hướng biến động của giá dầu sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc liệu Israel có mở rộng cuộc tấn công trên bộ hay không.
Israel cho biết lực lượng quân đội nước này đã tấn công các tay súng Hamas bên trong mạng lưới đường hầm rộng lớn dưới Gaza, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ lời kêu gọi ngừng chiến đấu để giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Palestine.
Sự gián đoạn đối với dòng chảy dầu xuất khẩu của Iran vẫn là rủi ro lớn đối với thị trường. Trong trường hợp Mỹ thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran, nguồn cung dầu toàn cầu có thể mất đi một lượng dao động trong khoảng từ 500.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng giá dầu có thể tăng lên 140 - 157 USD/thùng nếu xung đột mở rộng ra ngoài biên giới Gaza và lặp lại lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab năm 1973, khiến nguồn cung dầu toàn cầu sụt giảm từ 6 - 8 triệu thùng/ngày.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)