sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá dầu có thể sẽ đi ngang khi tâm lý thị trường thận trọng hơn

16/10/2023

Giá dầu bất ngờ đảo chiều tăng mạnh trở lại vào phiên cuối tuần vừa qua khi lo ngại cuộc xung đột ở Israel sẽ leo thang. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra nếu có cáo buộc Iran hậu thuẫn cho nhóm Hamas trong cuộc xung đột này.

Trong trường hợp này, Mỹ có thể gia tăng các lệnh trừng phạt lên Iran. Điều này có thể gây thêm căng thẳng cho thị trường dầu mỏ vốn đã thiếu nguồn cung. Iran có thể sẽ trả đũa bằng cách làm gián đoạn dòng chảy dầu của các quốc gia trong khu vực Trung Đông thông qua việc đóng cửa eo biển Hormuz.

Trước viễn cảnh xấu này diễn ra, giá dầu đã bật tăng vượt qua mức kháng cự 85 USD/thùng.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết giá dầu dự kiến sẽ đạt 100 USD/thùng do tình hình bất ổn ở Trung Đông. Cùng ngày, động thái của Mỹ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các tàu chờ dầu của Nga có giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng cũng đã thúc đẩy giá dầu tăng trở lại.

Như vậy, tâm lý lo ngại rủi ro đã diễn biến phức tạp hơn trong giai đoạn cuối tuần vừa qua. Nhiều khả năng sẽ vẫn còn có thể leo thang hơn nữa khi cuộc xung đột vẫn chưa đi đến hồi kết, do đó trong bối cảnh này giá dầu sẽ rất nhạy cảm với các tin tức địa chính trị khu vực Trung Đông.

Yếu tố vĩ mô, thị trường đã có những kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng thêm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sau khi số liệu lạm phát cho thấy vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed. Kỳ vọng này thúc đẩy đồng USD phục hồi tăng mạnh trở lại trong tuần qua, điều này có thể là tín hiệu gây sức ép giảm đối với giá dầu.

Có thể thấy, giá dầu nhạy cảm với các thông tin địa chính trị ở khu vực Trung Đông hơn so với các tin tức kinh tế vĩ mô hiện tại. Điều này cho thấy được tâm lý thị trường đã thay đổi so với các dự báo giá dầu giảm do lo ngại nhu cầu yếu đi trong tuần trước đó.

Thay vào đó mối quan tâm hiện tại chuyển dịch sang lo ngại gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là eo biển Hormuz, nơi chiếm 1/3 lượng dầu tiêu thụ toàn cầu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)