Tin tức
Giá dầu có thể sẽ gặp áp lực trong một phiên giao dịch mỏng
Kỳ nghỉ lễ Tết độc lập Mỹ vào ngày hôm nay nhiều khả năng sẽ khiến cho khối lượng giao dịch trên thị trường dầu thô mỏng hơn.
Quyết định của Saudi Arabia và Nga trong việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện nhiều khả năng được coi là một tín hiệu giảm giá, vì nó xác nhận rằng quan điểm về tăng trưởng nhu cầu đang chững lại.
Các động thái của Saudi và Nga có nghĩa là tổng mức cắt giảm sản lượng mà các thành viên của nhóm sản xuất OPEC+ cam kết là 5,16 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu toàn cầu hàng ngày.
Phần lớn kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu dầu toàn cầu hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm nay tập trung vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, vốn được cho là chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang tương đối phân hoá, trong đó lĩnh vực bất động sản và sản xuất khá trì trệ. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc vẫn ở dưới ngưỡng mở rộng trong tháng 6.
Câu hỏi đối với thị trường dầu mỏ là liệu kết quả kinh tế yếu ớt của Trung Quốc có dẫn đến nhập khẩu dầu thô yếu hơn hay không.
Nhập khẩu tăng 6,2% lên tương đương 11,13 triệu thùng/ngày trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng mạnh mẽ có thể sẽ tiếp tục trong tháng 6, với ước tính lượng hàng đến là 12,5 triệu thùng/ngày, đây sẽ là mức cao thứ 3 được ghi nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc có lịch sử mua khối lượng dầu lớn khi các nhà máy lọc dầu cho rằng giá hợp lý, nhưng cắt giảm nhập khẩu khi giá được coi là tăng quá cao hoặc tăng quá nhanh.
Trung Quốc cũng đã tăng lượng hàng tồn kho cho đến nay vào năm 2023, với ước tính 730.000 thùng/ngày được bổ sung trong 5 tháng đầu tiên, với con số khổng lồ 1,77 triệu thùng/ngày được bổ sung vào tháng 5.
Do đó, trong trường hợp giá dầu tăng do việc cắt giảm sản lượng, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng lượng dầu dự trữ tích luỹ, và giảm thiểu nhập khẩu dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)