Tin tức
Giá dầu có thể suy yếu do áp lực bán gia tăng tại kháng cự 72 USD
Giá dầu nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng do đồng USD suy yếu làm giảm chi phí nắm giữ so với các đồng tiền thương mại khác.
Ngoài ra, lực mua cũng được củng cố trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung tại khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Lực lượng hải quân Mỹ và Anh đã bắn hạ 21 máy bay không người lái và tên lửa do lực lượng Houthi ở Yemen bắn về phía nam Biển Đỏ, đồng thời ám chỉ sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết đây là cuộc tấn công lớn nhất trong khu vực của phiến quân này từ trước đến nay khi xung đột kéo dài ba tháng giữa Israel và Hamas ở Gaza lan sang các khu vực khác ở Trung Đông.
Tuy nhiên tâm lý thị trường có thể sẽ trở nên thận trọng khi các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào báo cáo lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 12/2023. Áp lực lạm phát tiền lương có thể quay trở lại khi thị trường lao động Mỹ duy trì mạnh mẽ trong tháng 12/2023. Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 12/2023 tăng thêm 216.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với dự báo 170.000, trong khi tăng trưởng lương theo giờ trên cơ sở hàng năm của Mỹ trong tháng 12/2023 đạt mức 4,1%, cao hơn so với dự báo 3,9% và mức 4% trong tháng trước.
Hơn nữa, thị trường nhà ở của Mỹ cũng đang dần phục hồi trong bối cảnh lãi suất thế chấp suy giảm. Điều này có thể khiến giá nhà ở của Mỹ tăng trở lại và gây áp lực lên lạm phát. Lạm phát tăng trở lại sẽ đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên nền kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu, tác động tiêu cực đến giá dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)