Tin tức
Giá dầu có thể tăng nếu OPEC+ duy trì chính sách hoặc tăng cường cắt giảm
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên sáng do dữ liệu kinh tế kém tích cực của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 11 của Trung Quốc đạt 49,4 điểm, thấp hơn 0,2 điểm so với dự báo và mức 49,5 điểm trong tháng 10.
Ngoài ra, khảo sát mới nhất của Reuters đã điều chỉnh giảm dự báo giá dầu WTI và Brent trung bình trong năm 2024 xuống lần lượt 80,50 USD/thùng và 84,43 USD/thùng, từ 83,02 USD/thùng và 86,62 USD/thùng.
Tuy nhiên, sự chú ý của thị trường đang đổ dồn về phía cuộc họp chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào tối nay theo giờ Việt Nam. Trước đó, các nguồn tin của OPEC+ cho biết nhóm đang thảo luận về việc cắt giảm sâu hơn trong quý I/2024, với mức cắt giảm dao động từ 1 - 2 triệu thùng/ngày. Phần lớn thị trường cũng đang kỳ vọng rằng thủ lĩnh nhóm Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng sang quý I/2024.
Đứng trước rủi ro nhu cầu yếu, trong khi tăng trưởng sản lượng ngoài OPEC mạnh mẽ, dự kiến sẽ có hai kịch bản có xác suất xảy ra cao trong cuộc họp OPEC+ lần này. Thứ nhất, nhóm sẽ duy trì mức hạn ngạch như cũ, với tổng mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày so với một năm trước, nhưng Saudi Arabia và Nga sẽ tiếp tục gia hạn cắt giảm tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến quý I/2024. Thứ hai, OPEC+ sẽ cắt giảm thêm và phân bổ lại hạn ngạch cho từng thành viên, các thành viên châu Phi có thể giữ nguyên hoặc tăng sản lượng nhưng Saudi sẽ cắt giảm thêm hoặc san sẻ gánh nặng cho Nga, UAE và Kuwait.
Ở cả hai kịch bản này, tâm lý lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt có thể đẩy giá dầu tăng mạnh trong ngắn hạn, thị trường có thể chuyển trạng thái từ “contango” sang ‘backwardation”. Tuy nhiên, về dài hạn, giá dầu có thể giảm tốc trước rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu hạn chế nhu cầu tiêu thụ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)