Tin tức
Giá dầu có thể tiếp tục đà tăng trước thềm báo cáo EIA
Dầu thô hiện cho thấy các động lực tăng giá từ các thông tin cơ bản phản ánh rủi ro nguồn cung thắt chặt trên thị trường. Thứ nhất là động thái cấm xuất khẩu xăng từ phía Nga. Thứ hai là “tin đồn” xung quanh việc OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện sáng quý II.
Đầu tiên, về tác động cấm xuất khẩu xăng từ phía Nga về cơ bản sẽ khiến nguồn dầu thô chảy ra thị trường cạnh tranh hơn, nhưng sẽ không quá đáng quan ngại. Nguyên nhân là vì số lượng xuất khẩu xăng bằng đường biển Nga còn nhỏ, khoảng 150.000 thùng/ngày. Các quốc gia bị ảnh hưởng là các nước ở Bắc và Tây Phi như Libya, Nigeria và Ghana, trong đó đáng kể nhất là Nigeria chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên, Nigeria cũng có thể không cần nhiều xăng như trước đây sau khi khởi động nhà máy lọc dầu Dangote công suất 650.000 thùng/ngày, lớn nhất ở Châu Phi. Giá dầu sẽ không tăng quá mạnh trước tác động này.
Sức bật chủ yếu sẽ nằm ở thông tin cho rằng OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện sang quý II. Khi mà mùa đông dần qua đi, nhu cầu dần phục hồi thì các biện pháp này nhiều khả năng sẽ đủ sức hỗ trợ cho giá.
Trong ngày hôm nay, thị trường dầu sẽ chờ đón hai tác động, GDP điều chỉnh quý IV/2023 của Mỹ, và báo cáo trạng thái nhiên liệu hàng tuần của EIA. Báo cáo sơ bộ lần đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP quý IV của Mỹ đạt 3,3%, cao hơn nhiều so với kỳ vọng 2%. Trong bối cảnh báo cáo doanh thu của các công ty Mỹ khá tích cực trong quý IV, GDP Mỹ có thể vẫn sẽ ở ngưỡng tích cực. Trong trường hợp này, giá dầu có thể sẽ được hỗ trợ.
Đà tăng có thể bị cản trở một phần bởi dữ liệu tồn kho dầu từ báo cáo hàng tuần của EIA. Báo cáo sớm của Viện dầu khí Mỹ (API) sáng nay cho thấy tồn kho dầu thô tăng mạnh hơn 8 triệu thùng trong tuần trước. Báo cáo chính thức của EIA sẽ cần lưu ý tới tồn kho liệu có tăng mạnh như thống kê của API không, và tồn kho các sản phẩm nhiên liệu xăng, nhiên liệu chưng cất như thế nào, sẽ ảnh hưởng tới giá dầu ngay sau báo cáo.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)