Tin tức
Giá dầu có thể tiếp tục duy trì đà giảm trong ngắn hạn khi các yếu tố tiêu cực cho giá vẫn chưa được hấp thụ hết
Dầu thô giảm nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đối mặt với lo ngại kép tới từ Fed và báo cáo của IEA. Những thông tin này có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì tác động lên giá trong phiên hôm nay.
Việc các nhà chức trách tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm qua, cao hơn so với dự định tăng 50 điểm cơ bản trước đó của Fed. Ngoài ra, chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết kết thúc năm 2022, lãi suất có thể lên tới 3.4%. Đây là một nỗ lực nhằm kiềm chế mức lạm phát đang cao nhất trong vòng 4 thập kỷ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dầu thô là một trong những nguyên vật liệu đầu vào thiết yếu của ngành kinh tế, nên việc lãi suất cao hơn có thể khiến cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, kéo theo triển vọng tiêu thụ cũng giảm bớt. Đồng USD hiện đang ở mức cao cũng là yếu tố khiến cho chi phí đầu tư và thương mại dầu thô cũng tăng lên và hạn chế sức mua trên thị trường.
Bên cạnh đó, báo cáo của IEA cho thị trường dầu thô có thể quay trở lại trạng thái cân bằng cung cầu trong năm nay. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của IEA về cán cân cung cầu của thị trường, khi mà trong các báo cáo trước, tổ chức này đều bày tỏ lo ngại về nguồn cung.
Mặc dù vậy, báo cáo tháng của OPEC và báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của EIA đang hoài nghi về năng lực sản xuất của OPEC. Theo báo cáo của OPEC, sản lượng của nhóm trong tháng 5 giảm đến 176.000 thùng/ngày, do sự sụt giảm đáng kể ở một số khu vực như Nigeria (45.000 thùng) và Libya (186.000 thùng), bất chấp theo các thỏa thuận, hàng tháng nhóm sẽ phải liên tục tăng sản lượng.
Vì thế, mặc dù giá dầu đang chịu sức ép bán, giá vẫn có thể neo ở vùng cao do nguồn cung vẫn đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ hồi phục vào nửa cuối năm nếu Trung Quốc giải quyết được vấn đề dịch bệnh.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)