Tin tức
Giá dầu có thể tiếp tục suy yếu sau khi phá vỡ kênh tăng
Giá dầu hiện nay đang chịu sức ép chủ yếu từ các yếu tố vĩ mô, trong khi các thông tin về xung đột tại khu vực Trung Đông dần bão hoà và chưa có tiến triển mới. Điều này có thể khiến giá dầu tiếp tục gặp áp lực trong phiên hôm nay.
Khi xung đột Israel-Hamas vẫn diễn ra ở Trung Đông, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với CNN hôm Chủ nhật rằng các nhà đàm phán của Mỹ, Ai Cập, Qatar và Israel đã đồng ý về nội dung cơ bản của một thỏa thuận con tin trong các cuộc đàm phán ở Paris nhưng vẫn đang trong quá trình đàm phán. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết vẫn chưa rõ liệu một thỏa thuận có thành hiện thực hay không. Tuy nhiên, những nỗ lực trong thời gian gần đây nhiều khả năng sẽ xoa dịu tâm lý thị trường.
Trong khi đó, các dữ liệu kinh tế và báo cáo thu nhập tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ đang làm lu mờ kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất. Điều này có thể dẫn tới rủi ro tăng trưởng chậm lại trong tương lai, và hạn chế sự đầu cơ vào việc tăng giá dầu thô.
Tuy nhiên, trên thực tế, cân bằng cung cầu trên thị trường dầu tương đối thắt chặt khi sản lượng sụt giảm từ các nước OPEC+ và những gián đoạn tại khu vực Biển Đỏ làm giảm nhẹ tồn kho ở các nước OCED. Trong báo cáo mới đây nhất vào Chủ nhật, Ngân hàng Goldman Sachs cũng đã nâng mức dự báo giá dầu Brent đạt đỉnh vào mùa hè năm 2024 thêm 2 USD/thùng lên 87 USD/thùng do sự gián đoạn ở Biển Đỏ. Tại Mỹ, các nhà phân tích của ANZ dự đoán tồn kho dầu có thể bắt đầu giảm trong những tuần tới do các nhà máy lọc dầu hoạt động trở lại sau bảo trì, điều này có thể cũng sẽ hỗ trợ giá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)