Tin tức
Giá dầu giảm điều chỉnh trước sức ép từ báo cáo của EIA
Đóng cửa ngày hôm qua 20/07, diễn biến phân hoá khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu. Dù vậy, lực mua chiếm ưu thế trên 3 nhóm Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại và Năng lượng đã giúp chỉ số MXV- Index chung tăng 0,8% lên 2.573 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục được duy trì ở mức trên 3.000 tỷ đồng.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh, dầu thô giảm điều chỉnh
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường không tìm được động lực để duy trì đà tăng sau báo cáo thị trường hàng tuần có phần ảm đạm của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm qua. Cụ thể, giá WTI giảm 0,85% xuống 99,88 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0,4% xuống 106,92 USD/thùng.
Dầu tiếp tục xu hướng biến động trong cả phiên giao dịch, khi thị trường giằng co giữa một bên là thông tin nguồn cung suy giảm của Mỹ, với đường ống dẫn dầu quan trọng Keystone vẫn chưa vận hành trở lại sau 3 ngày gặp sự cố. Công việc sửa chữa đang được mở rộng sang một cơ sở tại South Dakota, khiến thị trường lo ngại nguồn cung sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới. Thông tin này, bên cạnh các sự cố bất khả kháng tại Nam Phi, và việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cam kết tăng sản lượng là yếu tố chính thúc đẩy giá trong tuần.
Trong khi đó, báo cáo của EIA tối qua, mặc dù cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 15/07, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ xăng, nhiên liệu chủ lực trong mùa hè, chỉ tăng khoảng 460.000 thùng/ngày lên 8,52 triệu thùng/ngày. Con số này vẫn đang thấp hơn số liệu cùng kỳ năm ngoái khoảng 774.000 thùng/ngày. Điều này cho thấy phần nào nhu cầu đi lại tại Mỹ đang hạn chế, khi mà giá xăng dầu vẫn ở mức cao.
Dollar Index tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua cũng là một trong các yếu tố gây sức ép lên giá dầu, bên cạnh các số liệu tiêu thụ không quá tích cực.
Tuy vậy, tồn kho dầu thô, tính cả dầu thương mại lẫn cả dầu từ kho nhiên liệu chưng cất vẫn giảm tổng cộng 5,4 triệu thùng so với tuần trước đó. Do vậy, giá không sụt giảm quá mạnh trong phiên.
Dầu thô liên tục giằng co trong phiên giao dịch gần đây, với giá WTI biến động xung quanh vùng 100 USD/thùng. Khối lượng giao dịch giảm khi giá biến động mạnh phần nào khiến cho thị trường chật vật trong việc tìm hướng đi mới. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chicago, khối lượng hợp đồng mở cho dầu WTI, hay vị thế nắm giữ của các nhà đầu tư, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Giá khí tự nhiên tăng rất mạnh 10,23% lên 8 USD/MMBTu khi Nga vẫn đang ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu, khiến nhu cầu cho khí của Mỹ tăng vọt. Bên cạnh đó, các công ty năng lượng của Mỹ, như Cheniere Energy, cũng đang có kế hoạch tăng xuất khẩu cho Trung Quốc.
Hai nhóm kim loại phân hoá, bạc và bạch kim suy yếu
Thị trường kim loại có sự phân hoá rõ rệt giữa hai nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Giá bạc suy yếu nhẹ 0,24% xuống mức 18,66 USD/ounce. Bạch kim chấm dứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp sau khi giảm 1,44% trong phiên hôm qua, đóng cửa tại mức giá 846,5 USD/ounce.Sự suy giảm của giá kim loại quý chủ yếu là do đồng bạc xanh đã có phiên hồi phục sau khi giảm về mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Vào tối nay, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ họp quyết định mức lãi suất và đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm. Thị trường vẫn đang đánh giá về khả năng tăng 25 điểm hay 50 điểm cơ bản của ECB và đồng Euro suy yếu ngay trước thềm cuộc họp. Điều này đã hỗ trợ cho đà phục hồi của đồng bạc xanh, vốn được tham chiếu phân nửa với đồng Euro. Áp lực về chi phí nắm giữ bạc và bạch kim vật chất gia tăng đã khiến cho giá suy yếu trong phiên.
Bên cạnh đó, dòng tiền đang có xu hướng phân bổ về các thị trường rủi ro trong các phiên gần đây như chứng khoán hay bitcoin, khi dữ liệu doanh thu quý II của nhiều doanh nghiệp tích cực hơn kỳ vọng đã củng cố tâm lý của các nhà đầu tư. Điều này khiến cho dòng vốn tại thị trường trú ẩn an toàn như bạc và bạch kim chịu sức ép.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX và quặng sắt có phiên tăng nhẹ với mức tăng lần lượt là 1,03% lên mức 3,32 USD/pound và 2,36% lên mức 99,49 USD/tấn, được hỗ trợ bởi các yếu tố từ nguồn cung. Cụ thể, theo Reuters, công ty khai thác Coldelco thuộc sở hữu nhà nước Chile vào hôm qua cho biết, họ đã tạm dừng xây dựng tất cả các dự án khai thác sau khi báo cáo 2 công nhân tử vong trong chưa đầy 1 tháng. Coldelco là nhà khai thác đồng lớn nhất trên thế giới, do đó, thông tin này đã hạn chế sự mở rộng nguồn cung và gây sức ép tới giá trong phiên.
Trong khi đó, đối với quặng sắt, công ty khai thác quặng sắt lớn thứ 2 trên thế giới, Vale SA tại Brazil đã hạ mức sản xuất hàng năm trong một động thái giúp hỗ trợ giá của thành phẩm sản xuất thép. Gã khổng lồ tại Brazil này dự kiến sẽ sản xuất 310 – 320 triệu tấn quặng vào năm nay, thấp hơn so với con số dự kiến trước đó ở mức 320 – 325 triệu tấn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)