Tin tức
Giá dầu khó có thể nhận được động lực phục hồi khi các tin tức gây sức ép vẫn đang lấn át
Sau lực bán rất mạnh trong 2 phiên đầu tiên của năm 2023, giá dầu đang lấy lại động lực phục hồi mở của phiên ngày hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng sẽ khó có thể duy trì trong bối cảnh các thông tin tiêu cực vẫn đang lấn át.
Bài toán về nhu cầu tiêu thụ kém sắc vẫn đang là tâm điểm của thị trường, với việc Trung Quốc tiếp tục vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 và số người thiệt mạng tăng vọt, gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chuyến bay từ Trung Quốc tới nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Mới đây, Liên minh châu Âu khuyến nghị các hạn chế mới đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Điều này vẫn sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu bị hạn chế và giá dầu vẫn có thể gặp áp lực.
Về nguồn cung, theo Reuters, Nga đang gửi thêm dầu thô được sản xuất ở khu vực Bắc Cực tới Trung Quốc và Ấn Độ với mức chiết khẩu cao hơn sau lệnh trừng phạt của châu Âu. Các loại dầu thô này thường không hướng về phía châu Á. Tuy nhiên, dữ liệu từ Reuters cho thấy xuất khẩu dầu thô từ Bắc Cực sang Ấn Độ đã tăng đều đặn kể từ tháng 5 với mức kỷ lục 6.67 triệu thùng trong tháng 11, và 4.1 triệu thùng trong tháng 12. Trong khi đó, nguồn cung từ nhóm nước OPEC vẫn đang khá ổn định. OPEC được dự đoán đã bơm 29 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 12, tăng 120,000 thùng/ngày so với tháng 11. Thêm vào đó, Saudi Arabia còn có khả năng hạ giá bán dầu thô sang khu vực châu Á. Việc dòng chảy của Nga hướng về phía châu Á nhiều hơn, nhóm các nước OPEC vẫn sản xuất ổn định, trong khi nhu cầu còn nhiều hạn chế sẽ là yếu tố gây sức ép tới giá dầu.
Đêm nay, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nhiều khả năng sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến giá, khi các nhà đầu tư tập trung phân tích bức tranh nhu cầu. Trong trường hợp tồn kho dầu và các sản phẩm từ dầu tăng, giá sẽ tiếp tục gặp áp lực.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)