Tin tức
Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực trở lại khi áp lực vĩ mô vẫn còn đè nặng
Giá dầu mở cửa với lực bán đang có phần chiếm ưu thế sau khi ghi nhận liên tiếp các phiên tăng trước đó bởi các tín hiệu nhu cầu khởi sắc hơn. Tuy nhiên, nguồn cung trong ngắn hạn vẫn đang đảm bảo so với nhu cầu, nhất là dòng chảy dầu thô từ Nga. Xuất khẩu dầu Nga sang các khu vực châu Á tăng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày so với thời điểm trước khi căng thẳng tại Biển Đen diễn ra, đã đủ bù đắp cho khoảng 1.5 triệu thùng mất mát tại khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, áp lực lãi suất vẫn còn đang đè nặng sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá dầu.
Hàng loạt các quan chức Fed vào hôm qua đã tiếp tục đưa ra quan điểm cứng rắn về việc kiểm soát lạm phát cố hữu tại Mỹ. Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari cũng cho biết ông "có quan điểm cởi mở" về việc tăng lãi suất 25 hoặc 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo của Fed vào ngày 21-22/3, đồng thời cho biết thêm rằng lãi suất cuối cùng có thể cần phải vượt trên mức 5.4% mà ông đã đề ra. Đồng USD đang tăng trở lại sau các nhịp giảm trước đó, với chỉ số Dollar Index tăng 0.34% lên mức 104.7 điểm.
Tối nay, thị trường nhiều khả năng sẽ quay trở lại với thông tin vĩ mô qua dữ liệu trợ cấp thấp nghiệp lần đầu. Các tuần gần đây, dữ liệu đều tích cực, củng cố lo ngại Fed sẽ còn tăng lãi suấy nhằm hạ nhiệt thị trường này. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy mức đỉnh lãi suất đã lên tới 5.5 -5.7% trong năm nay, với xác suất tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 đã tăng lên 30%. Đây sẽ là thông tin gây sức ép tới giá dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)