Tin tức
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm khi thiếu hụt nguồn cung bị lu mờ trước lo ngại về nền kinh tế
Dầu thô tiếp tục chịu áp lực trong phiên sáng nay, khi lo ngại về sức khỏe nền kinh tế thế giới làm lu mờ lo ngại về thiếu hụt nguồn cung.
Một loạt các ngân hàng trung ương từ đầu năm đến giờ đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, và điều này được giới phân tích cảnh báo sẽ làm tăng xác suất xảy ra suy thoái kinh tế, đặc biệt khi thay đổi về chính sách tiền tệ như hiện tại sẽ gây sức ép làm giảm hoạt động sản xuất, tuy nhiên vấn đề cốt lõi là thiếu hàng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng gián đoạn vẫn không được giải quyết. Do đó, các doanh nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn cả về mặt sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Điều này đang khiến cho giá dầu, nguồn năng lượng được sử dụng hàng đầu trong ngành sản xuất, đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh, nhất là sau giai đoạn tăng liên tiếp. Các khảo sát cho thấy người dân ngày càng kỳ vọng lạm phát sẽ gia tăng trong năm nay. Tại Mỹ, theo Cục Thống kê Lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ đang cho rằng đến năm sau lạm phát vẫn sẽ duy trì trên 5%, trong khi thị trường tài chính và các chuyên gia kinh tế vẫn đang cho rằng con số sẽ ở dưới 4%. Đối với lạm phát, yếu tố kỳ vọng luôn có ảnh hưởng lớn, do người dân có thể sẽ điều chỉnh hành vi, như giảm chi tiêu kể cả trước khi lạm phát tăng quá mạnh.
Dollar Index hiện đã điều chỉnh giảm nhẹ, tuy vẫn đang ở mức đỉnh 20 năm, khi các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tiền mặt trước các lo ngại về các “cú sốc” trong giai đoạn này, làm dòng tiền chuyển dịch khỏi tài sản tài chính như dầu. Giá Dollar tăng cũng khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác, và làm giảm sức hấp dẫn của mặt hàng này.
Giá dầu WTI đang giằng co xung quanh mức kháng cự 109 USD/ thùng. Các chỉ số MACD và RSI đều cho thấy giá có thể tiếp tục giảm và nhiều khả năng sẽ hướng về cạnh dưới của Bollinger Band, tương đương mức 105 USD/thùng. Có thể mở vị thế bán tại vùng 108-108.5 và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)