Tin tức
Giá dầu thế giới chật vật khởi đầu năm 2023 với muôn trùng rủi ro bủa vây
Thị trường dầu thô khép lại một năm 2022 đầy biến động và bước sang năm nay với triển vọng thiếu chắc chắn trước mắt.
Trước khi phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 diễn ra, rất nhiều tổ chức đã đưa ra những dự đoán rất tích cực đối với triển vọng của giá dầu. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai phiên, giá dầu đã “bốc hơi” gần 10% và đều đánh mất mốc 80 điểm. Giá dầu thô WTI hiện đã giảm về 72,84 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent đóng cửa phiên 4/1 ở mức 77,84 USD/thùng.
Theo đó, chỉ số MXV Index Năng lượng cũng lao dốc 3,95% về 3.550,52 điểm, mức giảm mạnh nhất trong bốn nhóm, khi mà dầu thô vốn là mặt hàng có khối lượng giao dịch lớn nhất trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.
Mây đen phủ bóng triển vọng tăng trưởng kinh tế
Triển vọng tăng trưởng kinh tế thường là một trong các yếu tố tiên quyết tác động lên giá dầu. Mới đây, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, đã nhận định rằng nền kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối mặt với một năm khó khăn sắp tới và dự báo rằng khoảng một phần ba số lượng nền kinh tế trên toàn cầu sẽ suy thoái. Hiện ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang đồng loạt giảm tốc.
Hoạt động sản xuất, vốn là một mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đồng loạt suy yếu trong tháng 12, thể hiện qua chỉ số Quản lý Thu mua (PMI). Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp về 47 điểm, còn số liệu của Mỹ cũng giảm tháng thứ tư liên tiếp về mức 48,4 điểm. Đáng chú ý, chỉ số PMI liên tiếp giảm và duy trì dưới mức 50 điểm cho thấy mức sụt giảm nghiêm trọng của các hoạt động sản xuất tại hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch khó có thể khiến cho tiêu thụ dầu được cải thiện đáng kể, bởi số ca nhiễm không ngừng tăng và dịch bệnh có thể lây lan mạnh mẽ vượt khỏi biên giới của quốc gia này. Nếu như trước đây, các nhà phân tích dự đoán rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy ngành du lịch và trực tiếp hỗ trợ cho giá dầu thô, thì đến nay, những kỳ vọng này đã nhạt phai dần kéo theo sự suy yếu của giá dầu thô.
Các số liệu cho thấy trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn khó có thể phục hồi, và các yếu tố hỗ trợ cho giá phần lớn đều mang tính dự báo trong tương lai nên đà hồi phục của giá dầu trong thời gian vừa qua thiếu đi tính bền vững.
Nguồn cung eo hẹp khó vực dậy giá dầu
Triển vọng kinh tế tiêu cực hiện đang làm lu mờ những lo ngại về nguồn cung, nhất là khi thời tiết ở cả Mỹ và châu Âu đều đã ấm lên và xoa dịu nỗi lo về một cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong bối cảnh đó, các nhà giao dịch dành nhiều sự chú ý vào chính sách sản lượng của các nhà sản xuất lớn.
Theo Bloomberg, sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến tăng 150.000 thùng/ngày trong tháng 12, với sản lượng được củng cố bởi thành viên Nigeria. Sau một thời gian dài vật lộn với nạn trộm cắp dầu thô, sản lượng của Nigeria đã được khôi phục và đạt mức cao nhất trong 8 tháng là 1,35 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức tăng này cũng không giúp cho OPEC đạt được mức hạn ngạch đã đề ra là 25,42 triệu thùng/ngày.
Về phía Nga, một đồng minh quan trọng của khối, xuất khẩu dầu thô của nước này cũng giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2022, do các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu. Cụ thể, tổng khối lượng xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga trung bình trong bốn tuần đã giảm 117.000 thùng/ngày, còn 2,62 triệu thùng/ngày. Các chuyến hàng tới châu Âu đã gần như cạn kiệt, chỉ còn 167.000 thùng/ ngày trong 4 tuần tính đến ngày 30/12, trong đó Bulgaria là điểm đến duy nhất của châu Âu.
Có thể thấy, nguồn cung dầu từ OPEC và đồng minh (OPEC+) sẽ khó cải thiện và có nguy cơ giảm thêm, khi Nga ngừng xuất khẩu dầu cho các nước áp dụng mức giá trần, và các thành viên có thể cắt giảm sản lượng nếu triển vọng tiêu thụ tiếp tục u ám.
Về phía Mỹ, năng lực gia tăng nguồn cung của nước này cũng rất giới hạn khi hoạt động sản xuất dầu đá phiến không phục hồi mạnh mẽ ngay cả khi giá dầu neo ở mức cao trong năm vừa qua đã cải thiện biên lợi nhuận với nhiều nhà sản xuất. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ tăng một cách nhỏ giọt lên mức 621 giàn và vẫn chưa khôi phục trở lại mức trước đại dịch Covid-19.
Các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đã giảm bớt và các doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Mới đây, HSBC, ngân hàng lớn nhất của Anh và lớn thứ bảy trên thế giới, tuyên bố sẽ không hỗ trợ các dự án dầu khí nào được chấp thuận từ sau năm 2021. HSBC hiện là một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất đối với các công ty năng lượng trên thế giới. Động thái này sẽ củng cố triển vọng phát triển của ngành năng lượng xanh nhưng sẽ mang lại tác động tiêu cực gián tiếp với thị trường dầu.
Bên cạnh vấn đề về tài chính, các công ty sản xuất dầu của Mỹ cũng gặp vấn đề về việc thiếu hụt nhân sự khi họ tiếp tục phải vật lộn với việc tuyển dụng và giữ chân công nhân.
Nhìn chung, rủi ro về nguồn cung đã giảm bớt rất nhiều khi thị trường dầu bước sang năm 2023. Chất xúc tác chính với giá dầu sẽ được dịch chuyển sang các yếu tố về tiêu thụ, và gắn liền với triển vọng tăng của kinh tế toàn cầu, khi các quốc gia phải vượt qua các khó khăn về chính sách tiền tệ và tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)