sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá dầu tiếp tục lên xuống thất thường trong các khoảng giao dịch hẹp

19/05/2022

Giá dầu lại tiếp tục tăng trong phiên sáng 19/05, cho thấy sự thất thường của thị trường trong giai đoạn có nhiều tin tức trái chiều. Ngày hôm nay, hợp đồng dầu WTI tháng 7 (mã CLM) đang là hợp đồng có khối lượng giao dịch vượt trội so với các hợp đồng khác, do ngày mai 20/05 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tháng 6. Khi chuyển tháng, các nhà đầu tư vẫn có thể giữ nguyên các nhận định xu hướng về mặt phân tích cơ bản, nhưng các mốc giá hỗ trợ và kháng cự sẽ có sự thay đổi khá nhiều do tính chất của hợp đồng kỳ hạn. Đối với WTI tháng 7, kháng cự đang ở vùng 113 USD/thùng và hỗ trợ gần nhất vẫn là vùng 100 USD/thùng. Giá có đường trendline tăng điểm từ đầu năm và sẽ xuất hiện lực hỗ trợ rất mạnh nếu giá quay trở lại vùng 100 USD/thùng.

Theo nhận định của chúng tôi, kịch bản giá dầu giảm sâu về 100 USD cũng khó có thể xảy ra trong ít nhất 1 tuần tới, bởi các thông tin trên thị trường đang thiên nhiều hơn về “bullish”. Việc giá giảm trong vài ngày qua, chủ yếu do không đủ lực để vượt lên trên các kháng cự kĩ thuật quan trọng, chứ không phải do có sự thay đổi đặc biệt nào về cán cân cung – cầu trong trung và dài hạn. Tồn kho dầu tại Mỹ giảm, giá xăng vẫn neo ở các mức cao, cùng với khả năng EU sẽ thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trong tháng 5 này đang là các yếu tố hỗ trợ giá dầu.

Ở chiều ngược lại, câu chuyện xoay quanh chính sách “zero Covid” của Trung Quốc càng kéo dài thì càng “bearish” đối với thị trường. Cứ sau một vài thông tin tích cực, thị trường lại đón nhận các tin tức xấu hơn về dịch bệnh tại quốc gia này. Vì thế, thị trường sẽ chỉ thực sự phản ứng tích cực khi Trung Quốc hoàn toàn dỡ bỏ các lệnh phong tỏa tại các trung tâm kinh tế và cảng biển lớn. Còn nếu vẫn chỉ dừng lại ở mức tuyên bố, kế hoạch hay kỳ vọng, thị trường sẽ bỏ qua thông tin này.

Trong vài ngày gần đây, chủ đề triển vọng kinh tế Mỹ và toàn cầu đang thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý hơn. Đương nhiên, triển vọng này sẽ gắn liền với xu hướng của giá dầu, nhiên liệu của mọi nền kinh tế, mọi hoạt động sản xuất. Bỏ qua yếu tố cung – cầu vốn khó xảy ra đột phá, các chỉ số kinh tế vĩ mô cùng với chính sách tiền tệ của Mỹ có thể sẽ có tác động đáng kể lên giá dầu trong vài tuần tới. Ngoài ra, sự mạnh lên hay yếu đi của đồng Dollar cũng sẽ có ảnh hưởng ngược chiều lên giá dầu. Với các tin tức hiện tại, có vẻ như tâm lý lo ngại đang áp đảo hơn và đây sẽ là thông tin “bearish” chính đối với thị trường trong thời gian tới.

Với sự cân bằng giữa động lực mua và động lực bán, chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục chứng kiến các phiên tăng, giảm xen kẽ và chỉ giao dịch ở trong khoảng 104 – 110 USD/thùng đối với dầu WTI tháng 7 và khoảng 106 – 112 USD/thùng đối với dầu Brent tháng 7 trong hôm nay và ngày mai.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)