Tin tức
Giá dầu WTI có thể gặp áp lực chốt lời khi tiến sát kháng cự quan trọng
Mặc dù đang tiệm cận vùng quá mua nhưng các thông tin cơ bản đều đang có xu hướng hỗ trợ cho giá dầu, cả về mặt cung cầu và yếu tố vĩ mô.
Lo ngại Saudi Arabia sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9 càng làm gia tăng nỗi lo thâm hụt và thúc đẩy giá dầu. Thị trường cũng đang trông đợi vào cuộc họp ủa ban giám sát thị trường tiếp theo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vào ngày 4/8 để đưa ra thông báo về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Về nhu cầu cũng được kỳ vọng sẽ sáng cửa, nhất là khi niềm tin về một cuộc “hạ cánh mềm” của Mỹ đang ngày càng gia tăng sau dữ liệu lạm phát hạ nhiệt, trong khi tăng trưởng GDP quý II ổn định và thị trường lao động vẫn tích cực.
Đối với quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, nhu cầu dồi dào trong bối cảnh nguồn cung hạn chế cũng giúp thúc đẩy giá dầu. Hiện tại, mức chiết khấu đối với dầu thô ESPO Blend của Nga tới Trung Quốc trong tháng 9 đang ở mức thấp nhất trong 8 tháng do nhu cầu ổn định từ các nhà máy lọc dầu.
Khoảng 1 chục lô hàng ESPO ngọt nhẹ đã được giao dịch với mức chiết khấu từ 2 – 2,5 USD/thùng so với giá Brent tháng 11 tới Trung Quốc, thấp hơn mức chiết khấu khoảng 4 USD/thùng trong tháng trước. Điều này có thể khiến nguồn dầu khác, đặc biệt là dầu Mỹ cũng có tính cạnh tranh hơn.
Giá dầu có thể chịu tác động ngắn hạn bởi dữ liệu tăng trưởng của một số quốc gia khu vực châu Âu trong chiều nay, trong đó có tăng trưởng GDP quý II của Đức. Thị trường kỳ vọng GDP của quốc gia này sẽ tăng trở lại so với quý I sau 2 quý tăng trưởng âm trước đó. Nếu con số tích cực hơn dự báo, giá dầu sẽ được hỗ trợ. Ngược lại, nếu Đức tiếp tục tăng trưởng âm quý thứ 3 liên tiếp, biểu thị cho sự suy thoái kinh tế mang tính kỹ thuật, giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực bán mạnh, nhất là khi giá đang ở vùng quá mua.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam