Tin tức
Giá dầu WTI có thể giảm điều chỉnh trước khi tiếp tục đà tăng
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch với đà giảm nhẹ, một phần do áp lực bán chốt lời sau khi giá đang hướng về vùng kháng cự 82 – 83 USD/thùng. Mặt khác, dữ liệu sản xuất của Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy thu hẹp trong tháng 7, phản ánh nền kinh tế chậm phục hồi cũng đã gây áp lực tới giá.
Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Caixin, thường hướng tới các doanh nghiệp tư nhân, định hướng xuất khẩu, đạt mức 49,2 trong tháng 7, sau 2 tháng duy trì trên ngưỡng 50. Điều này phản ánh quy mô thu hẹp của các nhà máy, đà phục hồi yếu của nền kinh tế Trung Quốc, vốn là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, về trung hạn, yếu tố nguồn cung tiếp tục chi phối xu hướng tăng giá của dầu thô. Thị trường cũng sẽ hướng về cuộc họp cuối tuần này của các lãnh đạo nhóm OPEC, trong đó kỳ vọng Saudi Arabia có thể công bố gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Nếu phủ định “tin đồn” này, giá dầu có thể gặp áp lực bán mạnh sau một giai đoạn tăng tích luỹ trước đó khi “1 triệu thùng/ngày” sẽ được đưa trở lại thị trường. Giá dầu giảm mạnh là điều mà nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới không mong muốn, vì sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận, và tăng trưởng quốc gia. Do đó, nhiều khả năng kế hoạch sẽ được Saudi Arabia duy trì, trong trường hợp đó thì rủi ro thâm hụt sẽ tiếp tục nâng đỡ giá dầu.
Kịch bản khác có thể xảy ra là Saudi Arabia hạ dần mức độ cắt giảm, có thể là 500.000 thùng/ngày. Tác động trong trường hợp này có thể sẽ chỉ gây áp lực bán nhẹ cho thị trường.
Ngày hôm nay, các nhà đầu tư cũng sẽ chờ đợi các dữ liệu của nền kinh tế Mỹ, bao gồm chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 7 và cơ hội việc làm của JOLTs. Bất kỳ một dấu hiệu tiêu cực nào đối với các dữ liệu sản xuất hay thị trường lao động, phản ánh áp lực kinh tế Mỹ cũng sẽ tạo ra rào cản cho đà tăng hiện tại của giá dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)